Multimedia Đọc Báo in

Liên kết trồng rừng- Đôi bên cùng có lợi

09:01, 06/11/2016

Gần 10 năm qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk đã liên kết với doanh nghiệp và các hộ dân để trồng rừng, tạo được nguồn thu cho cả đôi bên.

Chinh phục đồi hoang

Năm 2008, anh Đỗ Xuân Nghĩa ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) làm đơn xin nhận 50 ha đất trống, đồi trọc của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk (gọi tắt là Công ty) để trồng rừng. Lúc này, ai trong gia đình cũng phản đối vì diện tích đất được giao nằm ở buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê) địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Nhìn những quả đồi tràn ngập lồ ô, tre nứa, cỏ tranh ai cũng lắc đầu ngao ngán trước quyết định của anh. Nhưng với quyết tâm “thuần hóa” vùng đất này, biến chúng thành những cánh rừng xanh có hiệu quả kinh tế và góp phần cải thiện môi trường tự nhiên, anh Nghĩa bắt tay vào khai hoang, mở đất. Anh huy động hết vốn liếng trong nhà thuê người khai phá đất, đào hố trồng rừng. Nhưng khó khăn cứ bủa vây, cây xuống giống chưa kịp lớn đã bị cỏ dại, lau lách… mọc chen chúc khiến rừng trồng phát triển chậm.

Trong 3 năm đầu, anh Nghĩa phải ăn ở, lăn lộn ở giữa rừng để thuê người phát cỏ, chăm sóc rừng. Chỉ khi rừng trồng bước qua năm thứ 3, cây mới phát triển kín tán khiến cỏ, thực bì không còn đất sinh sôi. Những sườn đồi ngập cỏ tranh, lồ ô, tre nứa ngày nào được thay thế bằng hàng vạn cây keo xanh tốt. “Đầu tư trồng rừng cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn khá dài, nếu không quyết tâm bám trụ thì dễ bỏ cuộc lắm!”, anh Nghĩa tâm sự.

Rừng trồng của anh Đỗ Xuân Nghĩa ở buôn Đắk Sar ( xã Đắk Nuê, huyện Lắk) .
Rừng trồng của anh Đỗ Xuân Nghĩa ở buôn Đắk Sar ( xã Đắk Nuê, huyện Lắk) .

Đất không phụ công người, sau 7 năm vật lộn với rừng trồng, năm nay, hơn 40 ha rừng trồng của anh Nghĩa đã đến kỳ khai thác với giá bán tại chỗ 30 triệu đồng/ha. Trừ hết chi phí đầu tư, anh Nghĩa cũng lãi được khoảng 300 trăm triệu đồng. Sau khi khai thác, anh đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng mới tất cả diện tích này bằng keo giâm hom. Loại keo này phát triển nhanh, dự tính thời gian cho một chu kỳ chỉ khoảng 4-5 năm, sản lượng gỗ khi thu hoạch lại cao. Trồng rừng mới xong, anh còn cho người dân trong buôn trồng sắn, bobo xen giúp rừng trồng không bị cỏ, thực bì mọc lên. Như vậy, vừa giúp đỡ bà con ở đây có thêm công ăn việc làm, vừa giúp rừng phát triển tốt.

Xã hội hóa việc phát triển rừng

Ông Hoàng Văn Kim, Phó Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị hiện có hơn 4000 ha đất quy hoạch để trồng rừng. Từ năm 2003, Công ty đã vay vốn để đầu tư trồng khoảng 300 ha rừng nhưng không hiệu quả nên từ năm 2008 đến nay, đơn vị tiến hành liên kết với các doanh nghiệp và người dân để đầu tư trồng rừng. Theo đó, quỹ đất này của đơn vị sẽ được giao lại cho  doanh nghiệp và người dân thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo đúng cam kết. Đến khi thu hoạch, doanh nghiệp và người dân đóng 5-7%  số tiền bán gỗ thu được cho Công ty.

Đến nay, Công ty đã liên kết với 4 doanh nghiệp và 57 hộ dân để trồng rừng, trong đó, Công ty cổ phần lâm nghiệp Trường Thành 2.240 ha, Công ty TNHH Đức Uy 267,9 ha, Công ty TNHH Quốc Thái 231,3 ha, Công ty Agrilak 190,5 ha và 57 hộ dân với diện tích hơn 1.000 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp và người dân được giao đất đã trồng được khoảng 2.500 ha rừng.

“Do thiếu vốn đầu tư và nhân lực để thực hiện trồng rừng nên Công ty tiến hành giao đất cho các tổ chức cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư trên đất được quy hoạch. Việc liên kết này đã huy động được nguồn vốn ngoài xã hội đầu tư vào việc phát triển rừng, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho bà con nhân dân. Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế cho cả doanh nghiệp và người dân, nó còn góp phần ngăn chặn tình trạng xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép của người dân”, ông Kim nói.      

Năm 2016, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk đăng ký trồng mới 324 ha rừng. Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, các doanh nghiệp, hộ dân đã trồng được 514 ha rừng, vượt chỉ tiêu đăng ký 190 ha.

            Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc