Nâng cao hiệu quả khai thác nguồn điện các nhà máy thủy điện
Với hệ thống sông Sêrêpôk và nhiều sông, suối, Đắk Lắk có tiềm năng lớn về sản xuất thủy điện. Các nguồn thủy điện này có đóng góp đáng kể trong phát triển nền kinh tế của địa phương.
Lưới điện phân phối tỉnh Đắk Lắk hiện có 15 nhà máy thủy điện (NMTĐ) đấu nối và phát điện thương mại với tổng công suất thiết kế gần 90 MW, đáp ứng hơn 30% tổng công suất tiêu thụ của toàn tỉnh.
Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp. |
Các nguồn thủy điện nhỏ chủ yếu là thủy điện dòng chảy, không có hồ chứa hoặc hồ dung tích rất nhỏ nên không có khả năng điều tiết lượng nước trong thời gian dài. Bởi vậy, các nhà máy này vận hành nhiều trong mùa mưa, cầm chừng trong mùa khô, vào giờ cao điểm. Đặc biệt, một số nhà máy gần như ngừng hẳn trong mùa khô, điển hình là thủy điện Ea Tul 4, Ea Đrăng 2, Ea Súp 3... Bên cạnh đó, các NMTĐ trên địa bàn tỉnh thường xây dựng theo cụm, nhiều nhà máy cùng đấu nối phát điện lên cùng một đường dây hay trạm điện, như cụm thủy điện Đray H’linh (Đray H’linh 1, 2, 3) và Ea Tul 4 phát điện qua trạm 110 kV Ea Tam; cụm thủy điện tại M’Đrắk gồm Krông Hin, Ea M’doal 2, 3 và 715 phát qua trạm 110 kV Ea Kar; các nhà máy Ea Kar, Krông Kmar và Đắk Mê 1 phát qua trạm 110 kV Krông Ana. Có một thực trạng là, vào đầu mùa khô, các nhà máy này đóng góp nhiều vào việc chống quá tải, bù điện áp rất hiệu quả. Tuy nhiên, đến giữa và cuối mùa khô thì khả năng huy động được rất ít. Nhiều thời điểm, lượng điện huy động chỉ được khoảng 10% tổng công suất khiến điện áp tại các trạm rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng điện năng cũng như chỉ tiêu tổn thất điện năng trên lưới điện. Trong khi đó, vào mùa mưa, các nhà máy vận hành với công suất tối đa, điện áp tại các trạm thường tăng lên rất cao, đặc biệt trong giờ bình thường và thấp điểm. Chính điều này dẫn đến khó khăn trong phối hợp vận hành và ảnh hưởng đến điện áp của lưới điện khu vực. Bên cạnh đó, việc truyền tải một lượng khá lớn công suất của nguồn thủy điện cũng làm tăng thêm tổn thất trên lưới điện.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành với tổng công suất 957 MW, trong đó, trên lưu vực sông Sêrêpôk có 12 công trình, công suất 841 MW. Đến hết quý III – 2016, sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 1 tỷ kWh, đạt 102,4 %. |
Trước tình trạng này, thời gian qua, ngành điện đã có nhiều giải pháp để vận hành hợp lý nhằm khai thác một cách hiệu quả nhất các nguồn thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bộ phận cán bộ kỹ thuật làm công tác điều độ phải can thiệp để một số trạm 110 kV, 220 kV điều chỉnh điện áp theo yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, việc điều áp liên tục sẽ khiến các phụ tải liên quan phải chịu điện áp khác so với thiết kế trong một số thời điểm, ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị. Khi vào mùa khô, bộ phận điều độ lại phải điều chỉnh các trạm phụ tải, tốn nhiều thời gian, công sức. Mặc dù đây là những việc làm mang tính tình thế, nhưng là giải pháp hiệu quả và có lợi nhất cả về kỹ thuật lẫn kinh tế trong việc khai thác các nguồn thủy điện.
Nhà máy thủy điện Hòa Phú. |
Một giải pháp vận hành khác trong công tác điều độ là rải đều biểu đồ phát của một số cụm thủy điện để hạn chế việc phát điện đồng thời. Cụ thể, thay vì huy động 10 MW trong 4 giờ liên tục, sẽ chạy 5 MW trong 8 giờ. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn xảy ra những bất cập. Đơn cử như đối với cụm thủy điện Đray H’linh, việc vận hành 3 nhà máy phụ thuộc vào thời gian, lượng nước xả từ Nhà máy thủy điện Hòa Phú, nhưng không cung cấp thông tin cho bộ phận điều độ của công ty điện lực. Bên cạnh đó, khoảng cách từ NMTĐ Hòa Phú xuống hồ chứa Đray H’linh là rất ngắn (khoảng gần 2 km) dẫn đến việc điều hành các nhà máy phía sau bị thụ động, không khai thác tối đa hiệu quả nguồn nước về đập…
Anh Hoàng Xuân Tứ, điều độ viên, Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Đắk Lắk chia sẻ, để hạn chế những bất cập trên, bên cạnh sự tính toán, điều hành của lực lượng điều độ, rất cần sự phối hợp của các nhà máy thủy điện trong vận hành và cung cấp thông tin về thời gian, lưu lượng xả nước tại các hồ.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc