Multimedia Đọc Báo in

Thị trường Nam Phi – Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Đắk Lắk

13:30, 18/11/2016

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi, thời gian qua quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, gần đây chính phủ hai nước đã có những động thái thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hai phía, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Thị trường “mở” rộng lớn

Mới đây, tại hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch do Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Đắk Lắk, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam Marinda van der Westhuizen-Nel thông tin, với GDP chiếm tới 25% toàn châu lục, Nam Phi đang là nền kinh tế lớn đứng thứ 2 của châu Phi. Đặc biệt, với vai trò là “cửa ngõ” của châu Phi, các DN Việt Nam còn có thể đầu tư vào Nam Phi để tiếp cận không chỉ thị trường này mà còn cả thị trường khu vực châu Phi. Ngoài ra, hiện Nam Phi đã có hiệp ước thương mại tự do với châu Âu, do vậy đầu tư vào Nam Phi không chỉ khai thác sâu thị trường châu Phi mà các DN Việt Nam còn có thể dùng thị trường Nam Phi làm “bàn đạp” tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu.

Đoàn công tác Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk.
Đoàn công tác Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam thăm xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk.

Đánh giá về thị trường Nam Phi, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa hai nước không ngừng tăng lên trong thời gian qua, nhưng “dư địa” vẫn còn rất lớn cho các DN Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Nam Phi là dệt may, thiết bị điện, đồ gia dụng, thuộc da, vải, hàng tiêu dùng, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, bột giấy, đồ gỗ… Đây là những mặt hàng thuộc dạng thế mạnh của Việt Nam.

 

DN Việt Nam làm ăn tại Nam Phi sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ nước này. Tuy nhiên các DN cũng cần lưu ý lựa chọn đối tác đáng tin cậy, đồng thời bản thân DN cũng phải bảo đảm uy tín ngay từ những giao dịch đầu tiên

 

 
Bà  Thái Kiều Hương , Giám đốc  Công ty Xuân Thiện – Cameroon,  Phó Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam – Châu Phi – Trung Đông

Cơ hội cho doanh nghiệp Đắk Lắk

Từ năm 2003 đến hết năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nam Phi đã đạt trên 1,2 tỷ USD, tuy nhiên các DN của Đắk Lắk tham gia vào thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đơn cử như mặt hàng cà phê. Khi đến thăm và làm việc với Tập đoàn An Thái, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Kgomotso Ruth Magau tỏ ra khá bất ngờ khi biết sản phẩm này đã có mặt ở hơn 30 quốc gia, nhưng lại không có mặt tại thị trường Nam Phi. Bà Ruth Magau cho biết, với những sản phẩm cà phê mà An Thái giới thiệu cho bà, hoàn toàn có thể được người dân Nam Phi chấp nhận. Bởi thế, bà mong muốn Tập đoàn An Thái sớm có mặt tại Nam Phi thông qua việc xuất khẩu sản phẩm hoặc mở nhà máy chế biến ngay tại đất nước này. Hay như sản phẩm đồ gỗ, khi đến Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk, bà Ruth Magau và các thành viên của Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cũng đánh giá rất cao những sản phẩm mà DN này làm ra. Do vậy, không chỉ mời gọi Công ty TNHH Tín Nghĩa Đắk Lắk tìm hiểu và xuất khẩu sản phẩm vào Nam Phi mà bà Ruth Magau còn đề nghị công ty này hỗ trợ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực chế biến gỗ…

Rõ ràng, qua những đề xuất của bà Đại sứ có thể thấy thị trường Nam Phi đang cần những sản phẩm mà các DN Đắk Lắk đang sản xuất được. Với những cam kết của Chính phủ Nam Phi, mà bà Đại sứ là đại diện, vấn đề còn lại là ở sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng DN khi tiếp cận với một thị trường mới như Nam Phi.    

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc