Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Đắk Lắk đang hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Trái cây đặc sản đạt chuẩn VietGAP
Đắk Lắk có gần 5.000 ha bơ, sản lượng hằng năm đạt khoảng 350.000 tấn quả tươi, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin, Krông Pắc... Riêng trái bơ sáp đã có thương hiệu Bơ DAKADO, năm 2011, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã chuyển giao quyền sở hữu thương hiệu này cho Công ty TNHH Thu Nhơn. Từ đó giá trị trái bơ từng bước được nâng tầm, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng từ trong nước ra nước ngoài. Hiện tại, doanh nghiệp này đã liên kết với hơn 300 hộ trồng bơ ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Krông Ana với vùng nguyên liệu gần 500 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Theo đó, trái bơ được kiểm soát chất lượng từ khâu chọn giống đến trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và phân phối theo mô hình chuỗi giá trị. Sản phẩm cũng phải bảo đảm các tiêu chí là không phun thuốc trừ sâu, cây không bón nhiều phân hóa học, chất lượng tốt, trọng lượng đạt 2 quả/kg hoặc 3 quả/2kg. Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc công ty cho biết, Bơ DAKADO hiện đã được tiêu thụ khắp cả nước, có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn như Metro, CoopMart, Big C, Vinatex, Vinmart và xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan với tổng sản lượng 1.000 tấn/năm.
Cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê tại huyện Krông Pắc được công nhận đạt chuẩn VietGAP |
Cùng với bơ, sầu riêng Đắk Lắk cũng đã được Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 2 (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) trao chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho 170 tấn sản phẩm đầu tiên vào tháng 9-2016. Đó là sản phẩm của Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An trồng xen canh trong vườn cà phê với diện tích 8 ha. Để được công nhận là sản phẩm sạch, sầu riêng ở đây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch. Ông Trương Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng sầu riêng VietGAP với mục tiêu sản xuất bền vững, tạo sản phẩm sạch, có thương hiệu, gắn với liên kết tiêu thụ trên quy mô lớn. Hiện một số đối tác như siêu thị CoopMart, Metro… đã cam kết bao tiêu sản phẩm sầu riêng VietGAP số lượng lớn với giá cao hơn mức giá chung của thị trường 2.000 đồng/kg.
Phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, lâu nay ngành nông nghiệp địa phương phát triển một cách ồ ạt theo chiều rộng, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch một số loại cây trồng như cà phê, tiêu… nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Do đó, để tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, định hướng trong thời gian tới là phát triển theo chiều sâu, tái cơ cấu ngành và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Giống ngô biến đổi gen trồng tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. |
Để tạo động lực phát triển ngành nông nghiệp, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 04/NQ-TU, ngày 14-10-2016 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết, phát triển dịch vụ nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, an toàn và bền vững. 3 hướng đột phá chính là tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sẽ hình thành các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, dịch vụ nông nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc…
Theo kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ có khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên cây cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha. Một số địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Pắc… cũng đã quy hoạch khu vực phát triển nông nghiệp CNC. Tại huyện Cư M’gar, Huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp CNC, hiện đang chuẩn bị xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô 50 ha với nhiều phân khu chuyên biệt. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, thời gian qua, địa phương đã cử cán bộ tham quan, tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… để áp dụng trên địa bàn. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề huyện đã trồng khảo nghiệm thành công giống dưa lưới Chu Phấn có xuất xứ từ Đài Loan. Mô hình này sẽ được chuyển giao cho người dân nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng giá trị.
Minh Kiệt
Ý kiến bạn đọc