Multimedia Đọc Báo in

Về thăm "phố vùng sâu"

07:05, 27/01/2017

Có dịp về xã Ea Tóh (huyện Krông Năng) những ngày giáp Tết mới thấy không khí rộn ràng, náo nức ở một vùng quê được xem là “trung tâm phố thị” của các xã vùng sâu…

 “Phố thị vùng sâu”

Những ngày cuối năm, khi công việc nương rẫy đã vãn, bà con ở các thôn, buôn và xã lân cận lại xúng xính áo quần, tấp nập kéo về khu vực chợ trung tâm xã Ea Tóh để mua sắm hàng hóa, khiến hoạt động vui xuân đón Tết nơi đây trở nên sôi động. Khu vực chợ Ea Tóh cũng vì vậy đã trở thành trung tâm thương mại của cả vùng.

Chị Đổng Thị Hoa người dân tộc Tày ở xã Ea Tam tranh thủ đem đàn gà mới lớn ra chợ Ea Tóh bán để sắm Tết. Chị cho rằng, chợ Ea Tóh là trung tâm của vùng nên việc mua bàn ở đây rất thuận tiện. “Bán hết gà tôi sẽ sắm cho các con mỗi đứa một bộ quần áo mới và mua thêm ít bánh trái để cúng tổ tiên”- chị Hoa vui vẻ nói. Còn chị Ngọc, chủ cửa hàng tạp hóa ở cổng chợ Ea Tóh cho hay, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến cửa hàng tìm mua các mặt hàng Tết. So với mọi năm thì lượng khách năm nay có phần đông đúc và mua với số lượng nhiều hơn nên cửa hàng nào cũng đông nghịt.

Người dân nhộn nhịp mua sắm hàng Tết tại chợ Ea Tóh.
Người dân nhộn nhịp mua sắm hàng Tết tại chợ Ea Tóh.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Tóh Trần Thái Thạnh, điểm thuận lợi của chợ Ea Tóh là nằm ngay trung tâm các xã vùng sâu của huyện như Ea Tân, Ea Tam, Cư Klông, Dliê Ya, Phú Lộc và xã Chư Kbô (huyện Krông Búk). Hạ tầng giao thông của xã được đầu tư khá đồng bộ, tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại nông thôn. Từ nhiều năm nay, chợ Ea Tóh giữ vị trí đầu mối giao thương hàng hóa của người dân các xã lân cận. Hiện trên địa bàn Ea Tóh có 680 hộ kinh doanh lớn nhỏ, chưa kể các hộ tiểu thương buôn bán trong chợ. Các loại hình thương mại, dịch vụ hàng hóa nơi đây phát triển khá đa dạng từ ăn uống, cà phê giải khát, đến sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, máy nông nghiệp, kinh doanh vận tải, đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng may mặc…

 
Với Ea Tóh thì không phải lo giải quyết việc làm cho người dân vì nơi đây đang thiếu lao động; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm trên 3% và hiện chỉ còn khoảng 2%. Ea Tóh có lẽ là xã duy nhất của tỉnh không tăng tỷ lệ hộ nghèo sau khi rà soát theo chuẩn mới đa chiều giai đoạn 2016 – 2020. Hiện tại xã có thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/người/năm, con số mà rất nhiều địa phương trong tỉnh mơ ước.
Ông Trần Thái Thạnh

Mặc dù có đầy đủ các loại hàng dịch vụ hiện đại, nhưng Ea Tóh vẫn giữ được nét độc đáo của chợ quê ngày Tết với các sản vật “cây nhà lá vườn” do chính người nông dân làm ra như: gà thả vườn, bưởi, cam, măng le, lá dong... ở đây cũng rẻ hơn so với các mặt hàng cùng loại được bày bán trong các siêu thị hay chợ thành phố. Không khí ở chợ quê cũng gần gũi, thân quen nên ít có chuyện nói thách hay mặc cả.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của xã Ea Tóh chỉ khoảng 3.500 ha, song, nhờ người dân sớm thay đổi tập quán canh tác, nhạy bén trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Theo thống kê, toàn xã tỷ lệ hộ gia đình kinh tế khá giả chiếm khoảng 40%.Ông Trần Thái Thạnh dẫn chứng: Điển hình phải kể đến gia đình ông Lê Đình Sạ (thôn Tân Hiệp), ông Trương Hậu (thôn Tân Nam), Nguyễn Văn Sáu (thôn Tân Trung A)… mỗi hộ chỉ có 3 - 4 ha đất rẫy, nhưng đã biết trồng xen canh cà phê, tiêu với các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng cao sản, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2015 - 2016, mỗi hộ thu lãi trên 5 tỷ đồng/năm từ sản xuất nông nghiệp… Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các hộ có kinh tế khá giả còn giúp đỡ về vốn, kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và bán phân bón trả chậm giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền và người dân Ea Tóh còn đặc biệt quan tâm đến các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao nhằm lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân. Điều này thấy rõ nhất trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ông Trần Thái Thạnh cho biết, Tết năm nay, xã đã phát động tổ chức cho 23 thôn, buôn quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; triển khai trang trí đèn màu, cờ hoa, treo băng rôn tại các khu đông dân cư, trong mỗi gia đình để tạo không khí vui Tết cổ truyền của dân tộc. Nhằm đa dạng hóa các loại hình hoạt động vui chơi, giải trí, tạo không khí phấn khởi cho bà con đón Tết lành mạnh, UBND xã cũng chỉ đạo các hội, đoàn thể tổ chức chương trình nghệ thuật chào xuân mới, hội chợ xuân truyền thống, trong đó có các tiết mục văn nghệ, thể dục thể thao do các thôn, buôn tự xây dựng, trình diễn như: hát then của người Tày; hò Huế; hát Quan họ của người Bắc Giang; đội chiêng của đồng bào Êđê… Đây là những hoạt động sôi nổi được tổ chức hằng năm, tạo nên nét văn hóa độc đáo, giúp không gian vui Tết đón Xuân của người dân thêm lành mạnh, đầm ấm.

Lê Thành

 

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.