Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: "Bỏ thì thương, vương thì tội"! (Kỳ I)
Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã nỗ lực xây dựng các công trình cấp nước (CTCN) sinh hoạt cho các khu dân cư có nhu cầu nhưng hiệu quả lại không như mong muốn.
Kỳ 1: Hiện trạng ngổn ngang
Nhiều nhưng phân bổ không đúng, không hiệu quả hay chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn là thực trạng chung của các CTCN sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
Đa số bị xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, toàn tỉnh hiện có 136 CTCN tập trung, được đầu tư từ nhiều nguồn vốn và nhiều đơn vị quản lý khai thác khác nhau, trong đó 29 công trình (CT) hoạt động được đánh giá bền vững (chiếm 21,32%), 40 CT hoạt động trung bình (chiếm 29,41%), 21 CT hoạt động kém hiệu quả (chiếm 15,44%), 46 CT ngừng hoạt động (chiếm 33,82%).
Nằm cách công trình cấp nước chỉ vài chục mét nhưng người dân thôn 4, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt. |
Phần lớn, các CT đều có kết cấu giống nhau gồm giếng nước, hệ thống bơm, máy móc, đường ống… và được đầu tư cách đây gần 20 năm nhưng không có nguồn vốn duy trì, bảo dưỡng thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Ban đầu, mới chỉ một vài chi tiết nhỏ như hỏng đường ống, van khóa nước… nhưng không có kinh phí duy tu, sửa chữa dẫn đến thất thoát nước, sau đó dần bỏ không, không sử dụng được. Điển hình trong số đó là CTCN thôn 2, thôn 4, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột. CT được đầu tư năm 2003 từ nguồn vốn DANIDA đã cung cấp đủ nước cho 180 hộ dân thôn 2, thôn 4 và sau đó tăng lên 280 hộ. Năm 2007, Đắk Lắk xảy ra hạn nặng, CT vẫn cung cấp đủ nước cho người dân hai thôn, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do đặc thù của CT nằm ngoài trời, chịu sự bào mòn của nắng mưa nên bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Ông Vũ Quyền, người trực tiếp quản lý CT cho biết, ban đầu chỉ có vài chi tiết hỏng như van nước, một số nhánh ống dẫn nước… với chi phí sửa chữa khoảng 20 triệu đồng nhưng không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên không vận hành được, bỏ không cả CT lớn. Do đó, hiện nay CT thì bỏ không mà người dân lại phải khoan giếng để lấy nước sinh hoạt.
Không chỉ các CT ngưng hoạt động, người dân phải tự khoan giếng để có nước sinh hoạt mà hiện nay, phần lớn các CT đang hoạt động đều không cung cấp nước đủ cho các hộ dân theo thiết kế ban đầu, thậm chí chưa đến 1/3 quy mô thiết kế ban đầu. Điển hình trong số đó có CTCN Làng Thái, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (xây dựng năm 2002) có quy mô thiết kế cung cấp nước cho 300 hộ nhưng nay chỉ cấp nước đủ cho 100 hộ (đạt 33,3% thiết kế); CTCN xã Ea Toh, huyện Krông Năng (2011) có quy mô thiết kế cho 800 hộ nhưng đến nay chỉ có 200 hộ được sử dụng nước sạch từ CT (đạt 25%); CTCN thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (2007) thiết kế cho 1.589 hộ nhưng nay chỉ có 440 hộ được sử dụng (đạt 27,6%)…
Khó sửa chữa
Khi xây dựng các CT, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân đều mong muốn đem đến nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng và bản thân các CT đều có nguồn vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, hiện nay việc sửa chữa kịp thời để tránh lãng phí tại các CT hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động là việc làm cần thiết. CTCN sinh hoạt xã Yang Mao (Krông Bông) được đầu tư xây dựng năm 2002 từ nguồn vốn DANIDA với quy mô thiết kế cho 400 hộ dân sử dụng, tổng mức đầu tư 945 triệu đồng. Sau khi xây dựng, CT được bàn giao cho cộng đồng quản lý, đến năm 2008 một số hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng đã được địa phương sửa chữa nhưng do đánh giá chưa đúng hiện trạng nên sau khi sửa chữa vẫn không cung cấp đủ nước cho người dân đã đấu nối và sử dụng nước trước đây tại CT. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, người dân địa phương không có nước để dùng, phải hứng nước mưa, sử dụng nguồn nước sông suối không bảo đảm chất lượng. Chính quyền địa phương và người dân vẫn đang kiến nghị đầu tư sửa chữa nhưng lại khó thực hiện bởi các hạng mục của công trình đã hư hỏng nặng, đập thủy điện Ea Kha chặn dòng phía trên thượng nguồn khiến nguồn nước của CT cạn kiệt hoàn toàn, nếu sửa chữa lại cũng không đủ nước để hoạt động. Còn với CTCN trung tâm xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp được đầu tư xây dựng năm 2005 với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ đồng nhưng đến nay đã ngừng hoạt động, các hạng mục CT xuống cấp nghiêm trọng, tổng giá trị còn lại của CT chưa đến 400 triệu đồng (bằng 30% tổng giá trị ban đầu). Để có nước sinh hoạt, người dân địa phương phải gùi nước sông, suối về dùng hay dùng chung với các hộ có giếng khoan trong xã rất bất tiện nên việc sửa chữa rất cần thiết. Thế nhưng, khi sửa chữa cần có kinh phí khảo sát, đánh giá lại hư hỏng cụ thể trên từng hạng mục và mua sắm các thiết bị mới trong khi đó kinh phí chi cho hoạt động này lại eo hẹp, bất khả thi.
Đại diện Nhà đầu tư Đan Mạch kiểm tra CTCN xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. |
Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, “bỏ thì thương, vương thì tội” là thực trạng chung của các CTCN hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động bởi các CT trên đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bản thân các hộ dân rất cần nhưng nếu sửa chữa lại không có vốn đầu tư. Do đó, sau quá trình khảo sát thực tế, Trung tâm đã lập danh sách, đề xuất sửa chữa 62 CT, đồng thời đề nghị thanh lý 19 CT hư hỏng nặng, không thể khắc phục để có căn cứ xây dựng công trình khác thay thế khi có nguồn đầu tư mới.
(Còn nữa)
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc