Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột giúp nhau phát triển kinh tế

10:11, 08/02/2017

Phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai phong trào hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với nhiều hình thức phong phú và mang lại những kết quả đáng mừng…

Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột hiện có 7.597 hội viên đang sinh hoạt tại 29 hội cơ sở, 259 chi hội. Những năm qua, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được các cấp hội CCB trên địa bàn thành phố đẩy mạnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, đầu năm, Ban Chấp hành Hội CCB thành phố đều đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của Hội; đồng thời xây dựng chỉ tiêu giảm tỷ lệ hội viên nghèo từ 2 - 3%/năm, tăng hộ khá giàu trên 60% cho từng hội cơ sở...

CCB Lê Thể Thao ở thôn 2, xã Ea Kao phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của chi hội cựu chiến binh cơ sở.
CCB Lê Thể Thao ở thôn 2, xã Ea Kao phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của chi hội cựu chiến binh cơ sở.

Để thực hiện tốt chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, các cấp hội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hình thức hoạt động phong phú như: tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tín chấp cho hội viên vay vốn, phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Chỉ riêng trong năm 2016, các cấp hội CCB trên địa bàn thành phố đã đứng ra tín chấp với các doanh nghiệp trong tỉnh cho gần 500 hộ hội viên mua phân bón trả chậm trên 20 tấn; nhận ủy thác (thông qua 78 tổ tiết kiệm vay vốn) cho trên 800 hộ hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 38 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao để các hộ hội viên ứng dụng...

Nhờ đó, nhiều hội viên đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu. Điển hình như CCB Lê Thể Thao ở thôn 2 (xã Ea Kao), năm 2010 ông được chi hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội Buôn Ma Thuột vay 15 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, ông đã mạnh dạn tái canh 5 sào cà phê, đào thêm 2 ao thả cá (200 m2/ao) và chăn nuôi thêm gà thả vườn. Từ một hội viên nghèo, sau 2 năm, ông đã trả hết nợ ngân hàng; từ năm 2014 đến nay, gia đình có thu nhập khoảng 150 đến 200 triệu đồng/năm…

Bên cạnh việc phát huy vai trò của tổ chức hội, nhiều hội viên CCB còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế. Tiêu biểu như CCB Nguyễn Công Đoàn (thôn 5) và Nguyễn Đạt Khải (thôn 8) ở xã Hòa Khánh là chủ các cơ sở gia công may mặc, có thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm. Nhiều năm nay, các cơ sở này đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 - 20 lao động trên địa bàn với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Một số hộ hội viên CCB có hoàn cảnh kinh tế khó khăn còn được chủ cơ sở tạo điều kiện cho “ứng” các sản phẩm quần, áo, tất vớ, khẩu trang… đi bán trước rồi thu hồi vốn sau.

Theo ông Hồ Tấn Sinh, Chủ tịch Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột, để tạo điều kiện cho hội viên có vốn sản xuất, kinh doanh, không thụ động chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và địa phương phân bổ hằng năm, Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các cơ sở hội vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ Đồng đội giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, nguồn quỹ có gần 6,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, trong năm 2016, Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ gần 1.000 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; trích đóng góp 150 triệu đồng và vận động thêm các tổ chức, cá nhân ủng hộ 350 triệu đồng xây dựng 5 căn nhà Nghĩa tình đồng đội tặng các hội viên; hỗ trợ 80 triệu đồng xây 2 căn nhà cho hộ hội viên nghèo…

Từ phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đời sống của hội viên Hội CCB TP. Buôn Ma Thuột không ngừng được nâng cao. Đến nay tổng số gia đình hội viên khá, giàu đạt 66% (tăng 10 % so với năm 2011); hộ nghèo giảm còn 17 hộ, tương đương 0,2% (giảm 15 hộ so với năm 2011). Năm 2016 có 28/29 hội cơ sở đạt trong sạch vững mạnh, trong đó 9 tổ chức hội đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã giúp hội viên CCB trên địa bàn thành phố gắn bó với tổ chức Hội và tích cực tham gia các phong trào khác ở địa phương. CCB luôn đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự thôn, buôn, tổ dân phố... Riêng năm 2016, Hội CCB các cấp của thành phố đã đóng góp 111 triệu đồng và 200 ngày công (cùng với nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới 700 triệu đồng) để nhựa hóa 3 km đường giao thông nông thôn tại các xã Hòa Khánh, Hòa Thắng, Hòa Phú...

Ông Sinh cho hay, thời gian tới, Hội CCB thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững không chỉ với hội viên CCB mà còn nhân rộng trong nhân dân; tích cực động viên hội viên mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa bàn trên tinh thần làm giàu không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn góp sức xây dựng quê hương… 

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.