Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả cho vay qua tổ vay vốn ở Agribank M'Đrắk

16:18, 14/02/2017

Nhằm đẩy mạnh việc cung cấp vốn cho thị trường nông thôn, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã triển khai cho vay thông qua tổ vay vốn của Hội Phụ nữ. Riêng tại Agribank Chi nhánh M’Đrắk (Agribank M’Đrắk), kênh phân phối này đang cho thấy những hiệu quả nhất định.

Được triển khai từ năm 2008, tính đến nay, Agribank M’Đrắk đã có 116 tổ vay vốn, với dư nợ 54,8 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng dư nợ của đơn vị. Đây là tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung toàn Chi nhánh Agribank Đắk Lắk. Trưởng phòng tín dụng Agribank M’Đrắk Trần Hoàng Khánh cho  biết, nếu không cho vay qua tổ thì áp lực về món vay trên một cán bộ tín dụng là rất lớn. Hiện tại mỗi cán bộ tín dụng của Agribank M’Đrắk quản lý gần 1.000 món vay, phụ trách địa bàn 3 xã. Trong điều kiện dân cư thưa thớt, địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn, thì tổ vay vốn thực sự là “cánh tay nối dài” để chuyển tải vốn đến hộ gia đình, cá nhân tại địa phương.

Tổ trưởng các tổ vay vốn đang làm thủ tục trả lãi vay tại Agribank M’Đrắk.
Tổ trưởng các tổ vay vốn đang làm thủ tục trả lãi vay tại Agribank M’Đrắk.

Bên cạnh việc chuyển tải vốn, với đặc thù hoạt động của các tổ vay vốn còn mang lại hiệu quả sử dụng vốn của khách hàng. Chị Vũ Thị Mùi (thôn 9, xã Cư Prao) chia sẻ, từ năm 2008, được sự tín nhiệm của Agribank M’Đrắk, chị đã đứng ra làm tổ trưởng, kết nạp tổ viên cùng vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, tổ vay vốn có 36 thành viên, dư nợ trên 1,1 tỷ đồng, bình quân một thành viên vay 30,5 triệu đồng. Theo chị Mùi, điều quan trọng là các thành viên đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn để làm sao phát huy cao nhất hiệu quả vốn vay. Do vậy, sau khi được Agribank M’Đrắk giải ngân, các thành viên đã cùng giám sát việc sử dụng vốn (mục đích, hiệu quả) của nhau để từ đó có những điều chỉnh kịp thời.  Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Sự (thôn 6, xã Cư Prao) cho hay, những buổi sinh hoạt tổ vay vốn, bên cạnh việc nhắc nhở các thành viên hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng, thì phần lớn thời gian các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường; đồng thời cũng cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn cho những thành viên đang có vướng mắc. Nhờ vậy, tổ vay vốn do chị Sự phụ trách hiện có 28 thành viên với dư nợ 780 triệu đồng, nhưng tất cả đều sử dụng vốn vay có hiệu quả và không có nợ xấu.

Theo Giám đốc Agribank M’Đrắk Nguyễn Đình Diệu, việc cho vay qua tổ vay vốn đã giúp đơn vị giữ được tốc độ tăng trưởng tín dụng ổn định ở những địa bàn khó khăn. Và việc cho vay này có một điểm khác biệt hoàn toàn so với các hình thức cho vay khác là hoàn toàn không phát sinh nợ xấu. Có thể thấy, những kết quả đạt được ở Agribank M’Đrắk tuy chưa phải là lớn, nhưng đã khẳng định đây là một hướng đi đúng. Ngoài việc góp phần tăng năng suất lao động, “giảm tải” cho cán bộ tín dụng, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng… thì hình thức cho vay qua tổ nhóm còn có ý nghĩa kinh tế, xã hội tích cực vì qua đó chị em phụ nữ có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau vươn lên làm giàu từ vốn vay Ngân hàng. Từ hiệu quả đó, Agribank cũng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp đối với hoạt động Ngân hàng. 

Hiện nay, toàn hệ thống Agribank Đắk Lắk đang duy trì hơn 1.000 tổ vay vốn theo đề án “Nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn – Tổ cho vay lưu động” của Agribank Việt Nam. Đây cũng là hình thức cho vay nhằm hiện thực hóa nội dung thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2016 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.