Những mô hình nuôi thỏ hiệu quả cao
Tại xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) có nhiều mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có những mô hình áp dụng kỹ thuật chăm sóc thỏ rất mới lạ mà hiệu quả…
Giúp thỏ lớn nhanh bằng âm nhạc
Trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Nguyễn Thái Bình (buôn Kmrông Prông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có khoảng 500 con, trong đó có 50 thỏ mẹ sinh sản. Điều kỳ lạ ở trong trang trại lúc nào cũng có tiếng nhạc hòa âm êm dịu, đàn thỏ múp míp nằm im, ngóc cổ lên và vểnh tai như đang thưởng thức âm nhạc.
Anh Bình phát hiện tác dụng kích thích đàn thỏ lớn nhanh bằng âm nhạc một cách tình cờ. Trước đây anh thường mở nhạc nghe trong lúc lao động tại vườn cà phê và thấy đàn thỏ ở những lồng gần nơi anh đặt máy phát nhạc lanh lợi, khỏe mạnh và đặc biệt là lớn nhanh hơn đàn thỏ ở các lồng khác. Anh bắt đầu thí điểm mở nhạc cho thỏ nghe và theo dõi qua thời gian thì nhận thấy đàn thỏ lớn nhanh trông thấy. Anh cũng thử dùng nhạc sàn (hòa âm mạnh, dồn dập) cho thỏ nghe, thỏ hưởng ứng nhộn nhịp, nhảy nhót song khi hoạt động mạnh thì thỏ mất năng lượng, vì vậy anh thường chọn dòng âm nhạc êm dịu để kích thích sự phát triển của thỏ.
Anh Nguyễn Thái Bình ở buôn Kmrông Prông A, xã Ea Tu đang trao đổi về việc thưởng thức âm nhạc của đàn thỏ. |
Anh Bình chia sẻ: Thức ăn của thỏ ngoài cám, bắp, gạo do gia đình tự làm còn có lá cây trà đại thụ được anh trồng xen trong vườn cà phê. Đây là loại trà rất dễ trồng, hiện nay vườn cà phê 5 sào của gia đình anh đã được trồng xen kín cây trà đại thụ. Đối với việc phòng bệnh, anh chỉ tiêm vắc-xin các loại cho thỏ thịt sau một tháng tuổi, còn đối với thỏ mẹ sinh sản thì tiêm vắc-xin trước khi cho phối giống một lần. Với giá thỏ thương phẩm hiện nay (80 nghìn đồng/kg), hằng tháng anh Bình xuất chuồng khoảng 150 - 200 kg thịt thỏ thương phẩm, trừ chi phí mỗi năm anh lãi từ 100 - 120 triệu đồng, chưa kể các khoản thu khác từ sản xuất nông nghiệp.
Thoát nghèo từ mô hình nuôi thỏ lai, giống thỏ New Zealand
Không cho thỏ thưởng thức âm nhạc, gia đình chị Nguyễn Thị Lý (buôn Ea Nao A) chọn cách cho giống thỏ địa phương lai với giống thỏ ngoại New Zealand để làm tăng năng suất thỏ thương phẩm.
Gia đình chị Lý thuộc diện hộ nghèo. Cách đây 5 năm, chị gây đàn thỏ bằng cách cho giống thỏ cái địa phương phối với giống thỏ đực New Zealand (giống thỏ to khỏe, năng suất thịt thương phẩm cao), kết quả đàn thỏ con ra đời có nhiều con giống “bố”. Chị Lý chọn một vài con đực to khỏe tiếp tục cho làm “bố”, chọn con cái ngoài việc to, khỏe thì vú phải nhiều, thân mình cân đối dùng làm con mẹ để nhân giống (tuyệt đối không cho thỏ cùng mẹ phối nhau). Thỏ con lai nuôi lấy thịt nhanh lớn, khỏe hơn giống thỏ địa phương rất nhiều nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu giống thỏ địa phương nuôi đạt được 2,5 kg phải mất thời gian từ 3,5 - 4 tháng thì giống thỏ lai chỉ nuôi trong thời gian 2,5 tháng đã đạt được trọng lượng trên.
Hiện tại chị Lý có đàn thỏ hơn 300 con, trong đó có 50 con là thỏ mẹ sinh sản đang ấp ủ những bầy thỏ con mập ú. Mỗi năm chị có thu nhập ổn định từ 50 - 60 triệu đồng (sau khi đã trừ mọi chi phí) từ việc bán thỏ thịt và thỏ giống. Hiện tại sản lượng thỏ thịt và thỏ giống không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mô hình nuôi thỏ này đã giúp chị Lý thoát nghèo, không chỉ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn mà còn xây dựng được ngôi nhà mới khang trang.
Trước kia, anh Bình thường nuôi đến 3 tháng thì thỏ mới đạt trọng lượng trung bình khoảng 2,5 kg/con nhưng từ khi cho thỏ nghe nhạc thì chỉ từ 2 - 2,5 tháng nuôi, trọng lượng đàn thỏ trung bình đã đạt 2,5 kg/con dù lượng thức ăn vẫn như vậy.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc