Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh: Động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư

08:52, 22/02/2017

Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; chú trọng cải cách thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp... là những giải pháp được UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các cấp ngành triển khai trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp...

Lấy nhà đầu tư làm trung tâm

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, năm 2016, toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp (DN)  dân doanh đăng ký mới (tăng 9,6% so với năm 2015) với tổng số vốn đăng ký 2.880 tỷ đồng (tăng 36,04% so với năm 2015); thu hút được 98 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 23.896 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã tiếp đón và hướng dẫn thủ tục đầu tư cho hơn 150 lượt nhà đầu tư. Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh “Lấy nhà đầu tư làm trung tâm” đã tạo bước chuyển biến quan trọng cả về tư duy, nhận thức và hành động của chính quyền các cấp và là bước đi đầu tiên của quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. Với vai trò là cơ quan tham mưu công tác hỗ trợ tối đa cho các DN, sở đã thành lập tổ tư vấn giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề phát sinh quá thẩm quyền, sở sẽ tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xem xét  vào ngày thứ Năm hằng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Khu du lịch Lak Tented Camp vừa được Công ty TNHH Đường mòn Cao Nguyên đầu tư xây dựng tại huyện Lắk.
Khu du lịch Lak Tented Camp vừa được Công ty TNHH Đường mòn Cao Nguyên đầu tư xây dựng tại huyện Lắk.

Bà Thái Kiều Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: Trong quá trình khảo sát, xin chủ trương đầu tư dự án nhà máy năng lượng mặt trời với công suất dự kiến 2.000 MW, quy mô 3.500 ha tại xã Ya Lốp, huyện Ea Súp, Công ty luôn được UBND tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi từ việc chủ động ban hành chủ trương đến việc chỉ đạo cho các ngành, cơ quan chức năng đề xuất giải pháp triển khai theo đúng quy định. Các thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ công tác khảo sát đều được đẩy nhanh bảo đảm tiến độ yêu cầu dự án.

 
“Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, UBND tỉnh đang xúc tiến xây dựng đề án thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc tỉnh với phương châm đặt ra “một thẩm định- một phê duyệt” sẽ cắt giảm tối đa TTHC, đầu mối về đầu tư, góp phần giảm bớt chi phí thời gian và tài chính, mang đến sự hài lòng, yên tâm cho nhà đầu tư và DN khi đến với tỉnh”    
 
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh   

 

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, trong năm 2016, môi trường kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến thông qua triển khai rút ngắn TTHC so với quy định chung. Cụ thể, về thủ tục cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng đã chủ động rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 14 ngày; Sở Công thương đã phối hợp với Điện lực Đắk Lắk và các đơn vị có liên quan xây dựng quy trình tổ chức thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh, thời gian giải quyết chỉ còn từ 25 - 33 ngày; ngành Hải quan đã giảm thời gian thông quan cho các lô hàng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu xuống còn 10 ngày và nhập khẩu xuống còn 12 ngày…

Ngày thứ Năm đồng hành cùng DN

Để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn cũng như tạo thuận lợi để DN có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh, UBND tỉnh đã tăng cường hoạt động đối thoại, trong đó “Ngày thứ Năm DN” đã mang lại kết quả thiết thực. Được triển khai từ tháng 9-2016, qua hoạt động đối thoại này, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết nhiều kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các DN. Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Tổng kết giai đoạn 2010-2015, nguồn vốn đầu tư phát triển ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh chiếm tới 70% tổng nguồn vốn đầu tư huy động toàn xã hội. Qua đó, càng khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng DN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, giảm thiểu những TTHC rườm rà nhưng vẫn còn nhiều rào cản khi DN tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đắk Lắk, do đó tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cải cách, đơn giản hóa các TTHC. Đồng thời, sẽ rà soát lại các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch ngành, sử dụng đất để cung cấp thông tin cho DN bài bản, công khai, minh bạch hơn. Năm 2017, UBND tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động “Ngày thứ Năm DN” dưới hình thức thành lập Ban tiếp xúc và hỗ trợ DN trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Dự kiến, thành viên tham gia sẽ là cán bộ của các sở, ngành chủ lực để phục vụ DN theo hướng “một thẩm định – một phê duyệt”.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham quan mô hình sản xuất  chế biến gỗ của Công ty TNHH Tín Nghĩa.
Đoàn công tác của Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham quan mô hình sản xuất chế biến gỗ của Công ty TNHH Tín Nghĩa.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 10.000-12.000 DN hoạt động, đóng góp 30-35% tổng sản phẩm xã hội, chiếm 80% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 50-55% tổng thu ngân sách, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Nhiều giải pháp đã được tỉnh đề ra, trong đó tiếp tục chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai chính quyền điện tử, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN…            

Lê Hoàng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.