Multimedia Đọc Báo in

Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn: "Bỏ thì thương, vương thì tội"! (Kỳ cuối)

08:51, 22/02/2017

Kỳ cuối: Cần phân cấp hợp lý

Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng cao và là thước đo chất lượng của cuộc sống. Vì vậy, để các công trình cấp nước (CTCN) bảo đảm hợp vệ sinh, đủ cho người dân sử dụng lâu dài thì cần có cơ chế quản lý, phân cấp hợp lý.

Nên quy về một mối

Theo đánh giá của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thì 136 CTCN trên địa bàn mới chỉ là con số chưa đầy đủ bởi Trung tâm chỉ trực tiếp quản lý 19 công trình (CT) do đơn vị đầu tư, các công trình còn lại được thống kê dựa vào sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp. Trong khi đó, việc giám sát, thống kê CTCN trên địa bàn chưa được các địa phương quan tâm đúng mức nên không thể tránh khỏi việc bỏ sót các CT khác trên địa bàn. Sở dĩ xảy ra tình trạng đó vì hiện nay có quá nhiều đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng các CTCN như UBND huyện, Phòng Dân tộc huyện, Hội dùng nước, Tịnh xá Ngọc Ban, Tu viện Bình Hòa, Sở NN-PTNT, Liên đoàn địa chất 704, Ban Quản lý dự án huyện… Đa số CT sau khi xây dựng đều bàn giao cho các địa phương, cộng đồng quản lý chung chung, không quy trách nhiệm cho đơn vị cụ thể nào nên công tác lưu trữ các bản thiết kế CT không bảo đảm, công tác quản lý, rà soát CT sau khi đi vào hoạt động, khảo sát định kỳ hằng năm để có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên. Khi CT xuống cấp, người dân không có nước để dùng, muốn sửa chữa cũng không biết kêu ai. Vì vậy, khi khảo sát, đầu tư các CTCN cần có sự tham gia của một đơn vị chuyên trách về lĩnh vực này, đủ khả năng thẩm định chất lượng nguồn nước trong quá trình khảo sát cũng như định kỳ kiểm tra chất lượng nước theo quy định. Đặc biệt, cần xác định rõ đơn vị quản lý khai thác sau đầu tư, cần xem đây là một điều kiện tiên quyết để phê duyệt dự án đầu tư nhằm tránh trường hợp công trình khi đưa vào vận hành khai thác mà không có đơn vị tiếp nhận hoặc có đơn vị tiếp nhận CT nhưng không có cán bộ kỹ thuật chuyên môn. Song song với đó, các chủ đầu tư phải có kế hoạch thực hiện công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ kỹ thuật trực tiếp quản lý vận hành, bảo đảm mọi điều kiện để tiếp nhận và vận hành công trình ổn định.

Đại diện UBND xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra công trình nước sạch  tại thôn 1  của xã.
Đại diện UBND xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra công trình nước sạch tại thôn 1 của xã.

Trước thực trạng trên, năm 2015 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ theo dõi công tác phân cấp quản lý vận hành, khai thác các CTCN trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã tuyển dụng và đào tạo lực lượng cán bộ quản lý chuyên ngành có chuyên môn hóa, có đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật và tổ chức hoạt động, công nhân vận hành có tay nghề tốt, thường xuyên được nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề để thực hiện được các nhiệm vụ khảo sát đầu tư, giám sát xây dựng, quản lý vận hành các CTCN.

Cần có cơ chế, chính sách riêng cho từng vùng

Các CTCN nông thôn mang tính chính trị và xã hội cao hơn tính dịch vụ và khác biệt với cấp nước đô thị, đó là phân bố trên địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, thất thoát nước nhiều, suất đầu tư cao, quản lý khó khăn, chi phí quản lý cao. Đặc biệt, giá nước khó có thể tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, vận hành do đời sống của người dân còn khó khăn, bản thân họ không thể chi trả tiền nước hằng tháng hoặc có thu cũng chỉ đủ chi trả cho chi phí năng lượng. Sau hơn 1 năm triển khai Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các CTCN nông thôn tập trung đến nay, do thiếu kinh phí nên Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mới chỉ dừng lại ở khảo sát, đánh giá hiện trạng các CT mà thôi. Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, để các CTCN hoạt động hiệu quả thì Nhà nước cần có cơ chế phân cấp đặc thù cho từng CT. Cụ thể, đối với những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phải hỗ trợ kinh phí để phát triển đời sống kinh tế - xã hội, đề nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cấp bù phần chênh lệch giữa giá bán và giá thành theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 8-10-2014 của UBND tỉnh. Theo đó, các đơn vị quản lý cần chủ động tính toán lại giá thành sản xuất nước để trình Sở Tài chính thẩm định và cấp bù chi phí sản xuất nhằm duy trì hoạt động ổn định của CT. Đồng thời, từng bước bố trí kinh phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cho các CTCN hoạt động kém hiệu quả hoặc có công nghệ xử lý nước chưa hoàn chỉnh, để bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả, giảm chi phí vận hành, bảo đảm chất lượng nước theo yêu cầu của Bộ Y tế. Riêng những CT nằm tại vùng trung tâm, các CT do doanh nghiệp đầu tư, quản lý thì cho phép đơn vị tự hạch toán thu chi dưới sự giám sát của Nhà nước. Việc phê duyệt, ban hành giá tiêu thụ nước sạch thực hiện theo lộ trình tăng dần theo giá thị trường hằng năm, bảo đảm đủ chi phí sản xuất và có tích lũy.

Lắp đặt đường ống dẫn nước tại công trình cấp nước xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.
Lắp đặt đường ống dẫn nước tại công trình cấp nước xã Ea Phê, huyện Krông Pắc.

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả các CTCN thì khi khảo sát đầu tư CT cần thông tin đến người dân, để họ tham gia vào quá trình thiết kế, lựa chọn công nghệ và có thể tham gia thi công nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài sản chung, sử dụng nước đúng mục đích, tránh thất thoát nước.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.