Trả nợ cho… rừng
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc của huyện M’Đrắk dần được phủ màu xanh mướt của những rừng keo lai. Rừng trồng đã và đang làm thay đổi bộ mặt của những vùng quê nghèo, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, cải thiện môi sinh môi trường.
Sướng như… trồng rừng
Dẫn chúng tôi đi trên những sườn đồi bạt ngàn cây keo đã cao quá đầu người, ông Lê Phạm Mạnh (ở thôn 3, xã Ea M’lay, huyện M’Đrắk) tâm sự: “Trước đây, cứ quẩn quanh với cây mì, cây ngô nên thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong gia đình, chứ lấy đâu ra tiền mà xây nhà, mua sắm các trang thiết bị như bây giờ. Chỉ đến khi đầu tư vào trồng rừng, kinh tế mới khá lên được”.
“Ở đây bây giờ có đất để trồng rừng là “sướng” đó chú!”, ông Mạnh khẳng định chắc nịch. Rồi ông lý giải cái sự “sướng” của trồng rừng: Đất ở đây nhìn bạc màu thế nhưng cây keo nó “kết” lắm, cứ dọn sạch thực bì, chờ trời mưa xuống cho người cuốc hố, rải cho nhúm phân hóa học rồi thả cây giống xuống là nó lên ào ào. Năm đầu xuống giống làm vài đợt cỏ cho cây keo có sức phát triển. Còn từ năm thứ 2 cho đến khi thu hoạch thì chỉ cần chống cháy cho rừng vào mùa khô chứ không phải tốn thêm công gì cho rừng trồng nữa. Cứ tà tà làm việc khác, chờ đến ngày khai thác. Không như những loại cây trồng khác sau khi xuống giống phải phun hết thuốc này đến thuốc nọ để phòng chống sâu bệnh, còn đối với cây keo lai thì tuyệt nhiên không, cả chu kỳ 5 năm chẳng phải tốn một đồng tiền thuốc. Về hiệu quả kinh tế thì cũng hiếm có loại cây nào trên vùng đất này bì kịp, với chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta rừng khoảng 20 triệu đồng cho một chu kỳ 5 năm, khi thu hoạch sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi khoảng 80 triệu đồng/ha. Trước đây, vào mùa thu hoạch nông sản, người dân phải vất vả leo lên những đồi cao để đưa sản phẩm về nhà. Từ khi những quả đồi được phủ kín rừng trồng thì cảnh này cũng trở nên hiếm hoi. Những con đường vận chuyển nguyên liệu được mở lên tận đỉnh đồi. Xe máy, xe tải chạy bon bon lên đồi để đưa cây giống, phân bón hay chở gỗ rừng trồng. Đến kỳ thu hoạch thì thương lái họ đến mua tận nơi. Cứ đo diện tích xong, thống nhất giá cả rồi thương lái chuyển tiền, chủ rừng chẳng phải lo thu hoạch, vận chuyển.
Ông Lê Phạm Mạnh (bìa phải) trong khu rừng trồng của gia đình. |
Như gia đình ông Mạnh, trước đây có 10 ha đất, trồng đủ mọi loại cây nhưng hiệu quả chẳng ăn thua. Từ năm 2000 ông bắt đầu chuyển sang trồng rừng kết hợp với chăn nuôi bò. Với lợi nhuận từ rừng mang lại, ông vay vốn để mua thêm diện tích, đầu tư trồng rừng, đến nay đã trồng được gần 120 ha rừng. 5 năm trở lại đây, trừ chi phí đầu tư mỗi năm gia đình ông thu lãi 400 - 500 triệu đồng. Từ năm 2017, rừng của ông sẽ cho khai thác mỗi năm khoảng 20 ha. Với mức giá khoảng 100 triệu/ha, trừ chi phí ông cũng đút túi ngót ngét 1,8 tỷ đồng.
Không có nhiều rừng trồng như ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Nguyện ở thôn 1 (xã Cư Króa) chỉ với 4 ha keo, nhưng nhờ nó mà cuộc sống gia đình bà mấy năm nay cũng trở nên khấm khá. Trước đây, cũng với diện tích này, bà trồng cây sắn thì may lắm cũng chỉ đủ ăn, chứ đừng nghĩ đến chuyện làm giàu nên năm 2006, bà đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng keo. Năm ngoái, gia đình bà thu hoạch được 2,5 ha keo lai, thu về 190 triệu đồng - số tiền mà trước đó gia đình bà không dám nghĩ tới.
“Cứu tinh” cho người, cho rừng
Dẫn tôi đi thực tế, anh Phan Văn Thiết, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk giới thiệu: “Viết về trồng rừng ở đây, chú nên gặp thêm người này”. Người mà anh Thiết nói tới là ông Lê Văn Sanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tiến Nam (ở thôn 7, thị trấn M’Đrắk). Gặp chúng tôi, ông Sanh không giấu giếm: Chính rừng trồng đã cứu đơn vị của ông, nếu không có nó chắc giải thể từ lâu lắm rồi! Ông nói cũng chẳng “ngoa” chút nào, bởi Hợp tác xã được thành lập từ năm 2002 với ngành nghề kinh doanh là chế biến các sản phẩm mây tre đan nhưng đầu ra khó khăn, hoạt động một thời gian rơi vào tình trạng thua lỗ, xoay xở đủ mọi cách cũng không tìm được lối thoát với nghề mây, tre đan. Đến năm 2008, các thành viên của Hợp tác xã đã thống nhất chuyển sang trồng rừng. Khởi điểm ban đầu chỉ có vài trăm héc-ta đất của những thành viên trong Hợp tác xã. Về sau, khi giá gỗ rừng trồng tăng lên, Hợp tác xã đã tiến hành liên kết với các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn có đất nhưng lại thiếu vốn đầu tư để trồng. Đến kỳ thu hoạch thì ăn chia với nhau theo tỷ lệ đã thống nhất từ trước. Chính nhờ điều này, đến nay diện tích rừng của đơn vị đã được nâng lên hơn 1.500 ha. Không chỉ vậy, năm 2013, Hợp tác xã còn đầu tư máy móc để thu mua, chế biến dăm gỗ xuất đi khắp nơi trong cả nước. Hiện nay, Hợp tác xã đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 60 lao động với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng và lao động thời vụ cho khoảng 400 người. Từ một đơn vị đứng trước nguy cơ bị phá sản, nay Hợp tác xã Tiến Nam đã trở thành một đơn vị ăn nên làm ra, doanh thu hằng năm từ 70-80 tỷ đồng; trong năm 2016 đã đóng thuế cho ngân sách Nhà nước 10 tỷ đồng.
Quốc lộ 26, đoạn qua huyện M’Đrắk xanh ngát rừng trồng . |
Ông Lê Văn Ba, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk khoe: tỷ lệ che phủ rừng của địa phương hiện nay là 49,1%, cao hơn so với độ che phủ rừng của toàn tỉnh (39,4%). Có được điều này ngoài việc quản lý bảo vệ tốt những diện tích rừng tự nhiên thì việc phát triển rừng trồng cũng góp phần rất lớn làm tăng độ che phủ rừng của địa phương. “Bây giờ cứ đi khắp trên địa phương này khó lắm mới tìm ra được những khu đất trống, bởi người ta đã trồng rừng hết rồi! Trước đây, khi chưa trồng rừng, người dân chủ yếu trồng cây hoa màu, được vài vụ thì đất bạc màu, họ lại tìm cách phá rừng để mở rộng diện tích hoặc khai thác lâm sản để kiếm thêm thu nhập. Nhưng nay mọi sự đã khác, trồng rừng mang lại thu nhập cho không chỉ chủ rừng mà còn tạo thêm rất nhiều việc làm cho người dân. Khi người dân có việc làm, thu nhập ổn định thì họ cũng không màng đến việc khai thác lâm sản trái phép, vì vậy mà rừng tự nhiên cũng giảm áp lực đi rất nhiều”, ông Ba nhận định.
Giờ đây, về với những xã vùng sâu của huyện M’Đrắk như: Ea Trang, Ea M’lay, Cư Króa… nhìn đâu cũng thấy những vạt rừng keo xanh mướt. Những vùng đất khó khăn, cằn cỗi nay nhờ trồng rừng đã trỗi mình vươn lên.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện M’Đrắk hiện có khoảng 14.000 ha rừng trồng, trong đó, diện tích của các doanh nghiệp khoảng 8.000 ha, số còn lại là của người dân. Trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm sản lượng khai thác gỗ rừng khoảng 100.000 m3. |
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc