Triển vọng từ sản xuất cà phê giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào
Nhằm đáp ứng nhu cầu tái canh cây cà phê, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã ứng dụng và sản xuất thành công giống cà phê chất lượng cao bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.
Gia đình anh Nguyễn Thái Hoàng, thôn 7, xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) trồng cà phê đã hơn 30 năm. Năm 2006, khi vườn cà phê già cỗi, mỗi năm chỉ cho từ 3 đến 3,5 tấn cà phê nhân/ha, anh quyết định trồng lại. Anh Hoàng kể lại: “Hồi đó, nghe lời một số người giới thiệu nên tôi đặt mua 1.000 cây giống. Sau 3 năm trồng, cây mới cho ra bói, những năm sau đó năng suất cây thấp; cành giòn, cho ra trái được 1 năm thì bị khô, không có cành chi để trữ quả cho năm tiếp theo; khi nhổ cây lên thấy bộ rễ nhỏ, không đủ sức hút chất dinh dưỡng... Đến năm 2015, tôi phải nhổ bỏ thêm một lần nữa để tái canh lần 2”.
Nhân giống cà phê theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. |
Rút kinh nghiệm lần trước, anh Hoàng vào thẳng Viện đặt mua 1.000 cây cà phê nuôi cấy mô giống TR4, TR11. Anh Hoàng cho hay: “Mỗi cây giống có giá 10.000 đồng, cao gấp đôi so với cửa hàng bán bên đường nhưng trồng mới 1 năm mà đã có cây cho 4 kg quả tươi, cây phát triển tốt, hạt đều...”.
Để nhân giống bằng phương pháp nuôi cây mô, phải lựa chọn cây mẹ có chất lượng tốt nhất, sau đó là một loạt quy trình được tiến hành trong phòng thí nghiệm, như: vào mẫu lá, vô trùng lá; bỏ vào máy lắc để tăng hệ số nhân, tái sinh thành phôi trong hệ thống biorater... Mỗi quy trình từ lá cho ra cây con phải mất từ 21 – 22 tháng. Từ một mẫu lá có thể nhân lên 2.000 cây con có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn, loại bỏ được những khuyết điểm tồn tại trên cây mẹ... |
Số cây cà phê giống gia đình anh Hoàng mua là lứa giống đầu tiên được WASI triển khai nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Đây được xem là một trong những phương pháp tiên tiến của thế giới và lần đầu tiên được áp dụng tại Đắk Lắk. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Phó Viện trưởng Viện WASI cho biết: 5 năm qua, nhằm phục vụ cho chương trình tái canh cà phê, Viện đã phối hợp Công ty Nestlé Việt Nam tổ chức khảo nghiệm thành công 13 giống cà phê vối được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đã cung cấp hơn 3,3 triệu cây giống cho chương trình này. Các giống mới có khả năng sinh trưởng tốt, tán rộng, độ đồng đều cao và biểu hiện khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Thường, do cà phê vối thuộc hệ thụ phấn chéo, nên cây dễ bị phân ly. Nếu trồng thực sinh thì không ổn định như cây mẹ; cây được ghép chồi thì khả năng tiếp cận của gốc và chồi ghép đôi khi không tương thích nhau. Do đó, từ năm 2006 WASI đã tiến hành nghiên cứu nhiều công trình về quy trình sản xuất giống cà phê vối bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào để khắc phục hai điểm yếu trên.
Niềm vui của vợ chồng anh Nguyễn Thái Hoàng khi những cây cà phê được nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào phát triển tốt. |
Theo chị Trần Thị Hoàng Anh, Trưởng Phòng Sinh hóa và Công nghệ sinh học (Viện WASI) cây cà phê được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã khắc phục được điểm yếu của việc nhân giống thông thường; bên cạnh đó, cây còn có ưu điểm là: sinh trưởng thì giống như cây thực sinh và năng suất thì tương đương thậm chí là hơn cây ghép. Nghiên cứu từ 2006 nhưng phải đến năm 2014, công nghệ nuôi cấy mô tế bào cà phê bắt đầu tiến hành nhân giống và năm 2015 mới đưa ra sản xuất; đến nay Viện chỉ mới sản xuất được 40.000 cây giống TR4 và TR11. Chị Hoàng Anh trăn trở: “Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm nhưng cũng khá tốn kém; mặt khác trang thiết bị của Viện còn thiếu thốn và chưa đồng bộ nên chỉ mới sản xuất được một lượng nhỏ cây giống. Chúng tôi hy vọng sẽ có sự quan tâm, đầu tư để mở rộng phương pháp nhân giống này, có thêm nhiều loại giống đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của nông dân”.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc