Multimedia Đọc Báo in

Cần thận trọng trong phát triển diện tích cây điều

08:39, 27/03/2017

Sau nhiều năm liền loay hoay với điệp khúc mất mùa, được giá và ngược lại, cây điều bị nông dân Đắk Lắk quay lưng, chặt bỏ. Nay giá điều tăng cao kỷ lục (45-47 nghìn đồng/kg) khiến người trồng phấn khởi.

Những ngày này, nông dân trồng điều đang khẩn trương bước vào vụ thu hoạch. Bà Huỳnh Thị Xoan (63 tuổi) ở thôn 8, xã Ea Lê, huyện Ea Súp cho biết, 5 năm trước gia đình từng sở hữu vườn điều rộng gần 1 ha với năng suất trung bình đạt khoảng 1,2-1,5 tấn/ha. Tuy nhiên, giá hạt điều thời điểm đó rất thấp (chỉ 10 - 15 nghìn đồng/kg) nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Thêm nữa, cây điều hay bị các loại sâu bọ tấn công, nhẹ thì giảm năng suất, nặng thì thối rễ chết cây nên gia đình quyết định chặt gần hết lấy đất trồng cây ngắn ngày. Hai năm trở lại đây, giá điều tăng cao, mới đầu vụ, thương lái đến tận vườn mua 45-47 nghìn đồng/kg khiến bà tiếc hùi hụi.

Nhận thấy giá điều có xu hướng ngày càng tăng, từ 24-27 nghìn đồng/ kg năm 2015, đến nay đạt mốc 47 nghìn đồng/kg nên nhiều hộ nông dân muốn quay lại trồng điều. Anh Nông Văn Tường, ở thôn 4, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp cho hay, nhà anh vừa trồng lại 1 ha điều được 2 năm tuổi. Trước đó, năm 2003 gia đình từng trồng 3 ha điều nhưng năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên phá bỏ chuyển sang trồng mì. Năm 2014, giá điều có xu hướng tăng dần nên tái canh lại. Lần này anh đầu tư, chăm sóc vườn điều một cách bài bản chứ không canh tác theo lối truyền thống. “Trước đây, người dân chọn giống điều theo cảm tính, thấy cây nào nhiều quả thì lấy hạt ươm rồi đem trồng đại trà, phó mặc cho trời. Không bón phân, tưới nước, cây tự sinh trưởng, đến vụ thu hoạch được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Bây giờ chúng tôi đã ý thức được trồng cây gì cũng phải có sự đầu tư thì cây mới phát triển tốt cho năng suất cao”, anh Tường chia sẻ thêm. Ngoài ra, một số hộ trồng cà phê cũng đang tính chuyện trồng xen cây điều vào vừa có thêm thu nhập vừa tạo bóng mát cho cà phê.

Vườn điều nhà bà Huỳnh Thị Xoan.
Vườn điều nhà bà Huỳnh Thị Xoan.

Cây điều từng là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc nông dân đồng loạt chặt bỏ chuyển sang trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ngắn ngày… bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và chuyên gia nông nghiệp. Hiện nay thị trường cà phê đang trong giai đoạn bão hòa, cao su tuột dốc, hồ tiêu liên tục biến động, cây điều lại đang có dấu hiệu bắt đầu “lên ngôi”. Để ngăn chặn điệp khúc “trồng - chặt, chặt – trồng”, người nông dân cần thận trọng đưa ra quyết định trồng cây gì sao cho hiệu quả để tránh rủi ro về sau.

Theo số liệu thống kê của Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh), năm 2016 toàn tỉnh có 21.143 ha điều, trong đó, diện tích trồng mới 1.455 ha, tổng sản lượng đạt 23.602 tấn, năng suất trung bình đạt 12,34 tạ/ha. Diện tích điều tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea H’leo (5.679 ha), Ea Kar (2.976 ha), Cư M’gar (2.629 ha) Krông Ana (2.028 ha), Ea Súp (1.875 ha). Chủ trương của tỉnh là không mở rộng diện tích trồng mới mà cần tập trung thâm canh, chăm sóc cây điều hiện có để nâng cao năng suất.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.