Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đất lúa sang trồng cây khoai lang để tiết kiệm nước, liệu có hiệu quả?

08:08, 01/03/2017

Hiện nay, một số diện tích lúa nước không đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất nên người dân ở nhiều địa phương đã chuyển đổi sang trồng cây khoai lang Nhật Bản.

Vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh có 1.569 ha khoai lang, trong đó diện tích đã chuyển đổi từ lúa bấp bênh nước, kém hiệu quả sang trồng khoai lang là 814 ha. Đơn cử như huyện Lắk, diện tích khoai lang tăng mạnh so với kế hoạch (561/150 ha, bằng 375,5% KH). Mặc dù không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế của khoai lang Nhật Bản hiện đang cao hơn so với cây lúa, nhưng xét về phương diện chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện thiếu nước tưới thì còn nhiều vấn đề phải bàn.

Ruộng khoai lang ở xã Buôn Triết (huyện Lắk).
Ruộng khoai lang ở xã Buôn Triết (huyện Lắk).

Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo thực tế phản ánh của người dân, mặc dù khoai lang là cây trồng cạn nhưng không hề tiết kiệm nước, vì trong điều kiện nắng nóng, cây khoai lang cần rất nhiều nước để ngâm luống cho củ khỏi bị hà (sâu làm hư củ). Cứ 2-3 ngày, người dân lại bơm nước vào ruộng khoai cho ngập 1/2-2/3 luống. Thời gian cây khoai lang cần nước liên tục khoảng 3 tháng, chỉ khoảng 20 ngày cuối đến kỳ thu hoạch mới không cần nước. Theo ước lượng của cán bộ thủy lợi, so với cây lúa, lượng nước dành cho khoai lang chiếm đến trên 80%. Nếu thiếu nước, khoai lang sẽ bị thiệt hại nặng hơn lúa vì chi phí đầu tư cao hơn. Mặt khác, việc phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch như hiện nay cũng khiến hoạt động điều tiết nước tưới gặp khó khăn…

Rõ ràng, việc chuyển đổi diện tích lúa bấp bênh nước sang trồng cây khoai lang là chưa hợp lý và chưa bền vững. Tuy nhiên, trong chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương vẫn đang khuyến khích người dân chuyển đổi theo hướng này. Thiết nghĩ, các sở, ngành liên quan cần phải nhanh chóng đánh giá lại việc này để tránh hệ lụy về sau.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc