Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp năng lượng: Hướng mở từ các nguồn điện sạch

08:37, 07/03/2017

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đắk Lắk khảo sát, xúc tiến xây dựng các nhà máy điện gió (ĐG), điện mặt trời (ĐMT), đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất năng lượng sạch.

Từ năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp đã lắp đặt các cột đo gió để thu thập các thông số về gió, làm cơ sở triển khai lập dự án (DA) đầu tư ĐG. Cụ thể, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (Hà Nội) nghiên cứu khảo sát tại xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo trên diện tích 26.559 ha; Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình (tỉnh Bình Thuận) nghiên cứu khảo sát tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) trên diện tích 1.920 ha; Công ty TNHH Văn Thanh (tỉnh Đồng Nai) nghiên cứu khảo sát tại xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) trên diện tích 4.500 ha. Bên cạnh đó, Dự án GIZ/Moit (do Bộ Công thương phối hợp với Văn phòng tổ chức hợp tác Quốc tế Đức - GIZ) lắp đặt cột đo gió tại xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) để khảo sát, đo gió… Kết quả cho thấy, sức gió đo được tại các địa bàn đạt bình quân khoảng 6,5 - 7m/s ở độ cao 60 m (để phát điện chỉ cần gió đạt tốc độ 6 m/s). Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các nhà máy ĐG trên địa bàn tỉnh. 

Lãnh đạo tỉnh và Công ty TNHH SolarPark Korea  (Hàn Quốc) ký  biên bản ghi nhớ thực hiện dự án  điện  mặt trời tại huyện Ea Súp.
Lãnh đạo tỉnh và Công ty TNHH SolarPark Korea (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ thực hiện dự án điện mặt trời tại huyện Ea Súp.

Nhà máy ĐG đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh là Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo của Công ty TNHH giải pháp năng lượng gió – HBRE (TP. Hồ Chí Minh) khởi công tháng 3-2015. DA này được thực hiện từ nay đến năm 2020, với tổng công suất 120 MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 28 MW, tổng mức đầu tư gần 1.370 tỷ đồng, với sản lượng hơn 97.200 kWh/năm. Theo đại diện nhà đầu tư, giai đoạn 1 của DA có quy mô gần 18,5 ha gồm các hạng mục nhà điều hành, trạm biến áp, cột gió, đường giao thông nội bộ, hệ thống đường dây 22 kV nối với trạm biến áp và đường dây 110 kV nối với lưới điện quốc gia. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đây sẽ là nhà máy ĐG có công suất lớn nhất cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, ưu thế của loại điện năng này là ít chiếm dụng đất, không ảnh hưởng đến diện tích rừng và thân thiện với môi trường. Cụ thể, xây dựng 1 tua bin phát ĐG trung bình chỉ sử dụng 400 m2 đất, ảnh hưởng gây ra chỉ là tiếng ồn và độ nhấp nháy sáng do quạt gió quay, nhưng không đáng kể.

Nhằm tạo điều kiện phát triển ĐG, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt Đề án Quy hoạch điện gió tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và bổ sung quy hoạch đấu nối các nhà máy điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Cụ thể, đề án xác định 7 vùng có tiềm năng ĐG với tổng diện tích 41.484 ha, công suất 1.382 MW gồm: thị xã Buôn Hồ, các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar và Krông Năng. Dự kiến sẽ xây dựng thêm 16 nhà máy ĐG, tổng diện tích 13.387 ha, công suất đạt 228 MW, sản lượng 480 triệu kWh vào năm 2020 và công suất đạt 454 MW, sản lượng 990 triệu kWh vào năm 2030; đồng thời, xây dựng đường dây, trạm biến áp tại 3 cụm đấu nối ĐG vào lưới điện quốc gia.

Khởi công dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo (ảnh: L.Phước)
Khởi công dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo. Ảnh: L.Phước

Đối với ĐMT, Đắk Lắk là địa phương có lượng nắng quanh năm rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Tây của tỉnh. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển loại năng lượng sạch này. Hiện có nhiều nhà đầu tư đã khảo sát lập DA và ký biên bản ghi nhớ với địa phương để xây dựng nhà máy ĐMT tại tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH Solarpark Korea, liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Long Thành (Hà Nội) và Công ty Namu (Hàn Quốc), Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, Công ty Cổ phần Long Thành Đắk Lắk, Tập đoàn AES (Hoa Kỳ), Công ty Cổ phần đầu tư HD và Công ty TNHH Tân An (Hà Nội). Các đơn vị này dự kiến xây dựng nhà máy trên lòng hồ Ea Súp Thượng và đất liền tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Để làm cơ sở triển khai, địa phương đã xây dựng danh mục 12 nhà máy ĐMT bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025. Các dự án này có tổng công suất 4.533 MW, nhu cầu sử dụng khoảng 8.500 ha đất và 565 ha đất có mặt nước.

Để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng mặt trời, Chính phủ đã có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư về thuế, thủ tục pháp lý, đất đai. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, phân phối điện phải mua toàn bộ điện năng của các nhà máy ĐMT với giá từ 1.800 – 3.500 đồng/kWh trong thời gian 20 năm.     

Ưu tiên các dự án năng lượng sạch

Theo kế hoạch phát triển điện lực của tỉnh đến năm 2020, sản lượng điện thương phẩm gần 2,1 tỷ kWh. Nhằm phát triển công nghiệp năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ ưu tiên cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực năng lượng gió, mặt trời, sinh khối và năng lượng tái tạo.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc