Khó khăn trong công tác đôn đốc thu hồi vốn vay học sinh sinh viên
Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đã góp phần chắp cánh ước mơ đến trường của hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện việc thu hồi vốn (cả gốc lẫn lãi) của chương trình gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết: “Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã giải ngân cho 20.853 HSSV vay vốn với tổng dư nợ trên 489,5 tỷ đồng, trong đó, nợ trong hạn gần 485 tỷ đồng, nợ quá hạn hơn 4,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình tín dụng HSSV khá cao, chiếm 0,85%, trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn trung bình của 16 chương trình cho vay tín dụng ưu đãi của ngân hàng chỉ chiếm 0,27%”.
Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH tỉnh họp, triển khai công tác giải ngân, thu hồi nợ với các tổ trưởng vay vốn của xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) |
Cũng theo ông Huệ, nguyên nhân chính của việc nợ quá hạn là do trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chưa tìm được việc làm; một số khác có việc làm nhưng mức thu nhập còn thấp nên chưa có điều kiện trả nợ gốc và lãi vay; nhiều gia đình có 2, 3 người con được vay vốn tín dụng HSSV nhưng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, không có điều kiện trả nợ; công tác tuyên truyền, vận động của các hội, đoàn thể cấp xã đối với các hộ vay vốn HSSV chưa hiệu quả nên việc trả nợ phân kỳ hằng năm sau khi sinh viên ra trường không thực hiện tốt...
Gia đình ông Quách Minh ở thôn Cao Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) có 5 người con, trong đó có 4 con đậu đại học, cao đẳng. Để có thêm điều kiện lo cho con ăn học, vợ chồng ông đã vay NHCSXH tổng cộng 21,5 triệu đồng. Tháng 11-2012, gia đình ông vay thêm 30 triệu đồng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư trồng trọt. Đến tháng 3-2016, cả 2 khoản vay trên đều đến hạn trả nợ nhưng gia đình ông đều chưa trả được đồng nào. Theo ông Nguyễn Đăng Hữu, Tổ trưởng Tổ vay vốn NHCSXH thôn Cao Thắng, khi vốn vay đến kỳ trả nợ, tổ vay vốn thường xuyên đến nhà ông Minh động viên trả vốn và lãi nhưng gia đình đều nói do quá khó khăn nên chưa trả được, hiện tổng số tiền lãi đã lên đến 21,8 triệu đồng. Nguyên nhân ông Minh đưa ra là do các con ra trường đều chưa xin được việc làm ổn định.
Để có tiền theo học tại Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên, gia đình chị H’Yăn Mlô ở buôn Yang Réh 2 (xã Yang Réh, huyện Krông Bông) đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 25 triệu đồng từ năm 2009. Năm 2012, chị H’Yăn tốt nghiệp đại học nhưng đến nay vẫn chưa xin được việc làm. “Theo quy định, tôi phải bắt đầu trả nợ từ năm 2014. Hiện tôi chỉ làm cộng tác viên dân số và cộng tác viên y tế buôn, mỗi tháng được khoảng 900 nghìn đồng, chưa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Tôi cũng muốn trả xong nợ cho nhẹ người nhưng không lo liệu được nên đành xin gia hạn nợ đến năm 2018”, chị H’Yăn bộc bạch.
Người dân đến giao dịch định kỳ với NHCSXH tỉnh tại điểm giao dịch xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) |
Theo quy định của Chính phủ, mức cho vay tối đa đối với một HSSV là 12,5 triệu đồng/năm, lãi suất cho vay là 0,5%/tháng. Sau khi ra trường, hộ vay được ân hạn thêm 12 tháng để con em tìm việc làm, sau đó bắt đầu trả nợ phân kỳ từ năm thứ 6 và trả trong thời gian 4 năm. Trong trường hợp đến hạn trả nợ cuối cùng mà gia đình gặp khó khăn thì được gia hạn thêm 2 năm. Mặc dù thời gian trả nợ kéo dài và số tiền vay được chia đều trả theo kỳ hạn nhưng thực tế đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em họ lại chưa tìm được việc làm thì cũng khó trả nợ được. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp hộ vay chưa thực sự nỗ lực trong việc hoàn trả vốn vay, thậm chí chây ỳ, kéo dài thời gian trả nợ.
Để việc thu hồi vốn vay HSSV đạt hiệu quả cao, tạo nguồn tiếp tục quay vòng vốn, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch triển khai tốt công tác cho vay và thu hồi vốn khi đến hạn. Đặc biệt, luôn coi trọng công tác tuyên truyền ngay tại điểm giao dịch, công khai thông tin về khách hàng, thường xuyên thông báo cho người dân biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để họ có thời gian chuẩn bị và trả nợ đúng hạn; tăng cường công tác tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới đến tận xã, phường để cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm vay vốn nắm được chủ trương cho vay. Ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức ủy thác vay vốn phải tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác của những gia đình vay vốn để họ chấp hành nghiêm túc quy định trả nợ. Ngoài các giải pháp trên, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành trong việc bố trí, tạo việc làm cho sinh viên ra trường.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc