Năm nay nên chăm sóc cà phê như thế nào?
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết năm nay biến đổi khác thường, gây bất lợi cho cây cà phê trong thời điểm ra hoa kết trái. Người trồng cà phê đang băn khoăn tìm biện pháp chăm sóc cà phê phù hợp để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo đảm năng suất.
Tưới nước đúng thời điểm
Thông thường, người trồng cà phê Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phải tưới nước đợt 1 cho cây từ trước hoặc ngay sau Tết Nguyên đán hằng năm, nhưng năm nay, việc tưới nước, bón phân trễ hơn, thậm chí nhiều vườn đến nay vẫn chưa tưới nước. Gia đình bà Lưu Thị Hương Sen, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn có 1 ha cà phê xen canh bơ cho biết, những năm trước cả gia đình bà phải tranh thủ tưới nước trước khi ăn Tết cổ truyền, thậm chí năm nào hạn sớm, hạn nặng thì ngày Tết vẫn phải lên rẫy kéo ống, chia nước cho từng gốc cà phê. Năm nay nắng nhẹ, hạn trễ nên cây cà phê vẫn sinh trưởng bình thường mà chưa phân hóa mầm hoa nên gia đình vẫn còn lưỡng lự chưa muốn tưới. Bởi, nếu tưới nước thời điểm này lượng hoa sẽ không đạt, nhưng nếu chờ thêm thời gian nữa thì cà phê sẽ chín muộn hơn so với các vườn khác trong vùng khiến việc bảo vệ cà phê mùa thu hoạch khó khăn hơn. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Bình, thôn 1, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột cũng có 5 sào cà phê xen canh tiêu cho hay, niên vụ trước, vườn cây của gia đình ông thu về gần 1 tấn cà phê nhân. Năm nay không có hạn sau thu hoạch mà mưa rải rác nên cây phân hóa mầm hoa không đạt yêu cầu. Vừa qua, trên địa bàn lại xuất hiện mưa, nên gia đình quyết định tưới đuổi đợt một. Theo cảm quan ban đầu thì hoa đã khô, tỷ lệ đậu quả năm nay thấp hơn so với năm trước nên có khả năng năng suất cuối vụ sẽ giảm mạnh.
Nông dân xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột tưới đuổi đợt 1 cho cây cà phê. |
Theo tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây cà phê cần trải qua thời gian khô hạn ít nhất 1 tháng để phân hóa mầm hoa, sau đó tưới nước để hoa bung nở đồng loạt thì tỷ lệ đậu trái sẽ cao, nhưng năm nay thời tiết thất thường, mưa trái mùa nhiều làm cho khả năng phân hóa mầm hoa rất kém. Vì vậy, người trồng cà phê nên dựa vào tình hình thời tiết, tiến độ sinh trưởng từng vườn để có cách chăm sóc, bón phân hợp lý. Với những vườn cà phê chưa được hạn, cây chưa phân hóa mầm hoa thì chưa tưới nước mà nên chờ hạn đã mới tưới để cây bung hoa đều; những vườn hiện đã phân hóa mầm hoa, bung nụ nhiều thì tưới đuổi, cung cấp đủ lượng nước theo yêu cầu giúp hoa cà phê nở đồng loạt; sử dụng ong, côn trùng làm vật trung gian nhằm tăng tỷ lệ thụ phấn trên vườn. Mặt khác, cây cà phê thường rụng quả sinh lý vào quý 3 hằng năm từ 30-40% (quả càng nhiều thì rụng càng nhiều), do đó khi cà phê bước vào giai đoạn nuôi quả, bà con nên bón phân theo nhu cầu của cây để tiết kiệm chi phí sản xuất, tránh tồn dư hóa chất trên đồng ruộng.
Phát triển bền vững dựa trên nguồn nước tưới
Niên vụ 2015-2016, toàn tỉnh có hơn 203.000 ha cà phê thì 45.610 ha bị ảnh hưởng do hạn, trong đó 4.984 ha mất trắng, năng suất bình quân ước giảm 10 – 20%. Tuy nhiên, trên thực tế tại các vườn cà phê cung cấp đủ nước tưới năng suất vẫn đạt yêu cầu, thậm chí năng suất tăng như chu kỳ xen kẽ năm được mùa năm mất mùa. Do đó, để phát triển cà phê bền vững, lâu dài thì người dân cần tuân thủ theo quy hoạch, dựa vào nguồn nước tưới. Ông Vũ Đình Nội, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi cho biết, do đặc tính khí hậu hai mùa rõ rệt, mùa khô nắng nóng kéo dài, cà phê cần lượng nước tưới lớn, nên năm 1987, đơn vị đã đầu tư xây dựng hồ Ea Nhái rộng 300 ha, dung tích thiết kế 12 triệu m3 và xây dựng hệ thống kênh mương hoàn chỉnh với tổng chiều dài 18 km cung cấp nước tưới cho 1.782 ha cà phê của đơn vị; 400 ha cà phê, 103 ha lúa nước của các buôn xung quanh hồ và phía hạ lưu. Bên cạnh đó, việc khuyến khích tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống béc phun mưa, trồng cây che bóng, chắn gió xung quanh vườn được đẩy mạnh, nên đơn vị chỉ cần 3-4 đợt tưới (chu kỳ 24-28 ngày/đợt) cà phê vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất bình quân đạt khoảng 3 tấn/ha. Riêng những diện tích cà phê kiến thiết cơ bản, cà phê tái canh, ngoài sử dụng nước tiết kiệm bà con còn tủ gốc chắn gió bằng cây muồng hoa vàng, hạn chế sự thất thoát hơi nước, tăng cường dinh dưỡng cho đất.
Cà phê là cây trồng cần lượng nước lớn thứ 2 sau cây lúa. Do đó, việc chuyển đổi diện tích nằm ngoài quy hoạch sang trồng các loại cây khác cần ít nước hơn đang được ngành Nông nghiệp khuyến khích để đạt mục tiêu đến năm 2020 ổn định diện tích cà phê khoảng 180.000 ha. Tuy nhiên đi kèm với đó là rất cần chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm đầu ra ổn định cho nông sản thay thế.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc