Multimedia Đọc Báo in

Chỉ số PCI năm 2016: Từ điểm số đến hành động

07:21, 10/04/2017

Với 58,62 điểm, xếp thứ hạng 28/63 tỉnh thành trong cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Lắk năm 2016 giảm 5 bậc so với năm 2015, đang đặt ra nhiều trăn trở cho các cấp chính quyền ở địa phương...

Thấy gì qua điểm số?

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm số PCI của Đắk Lắk năm 2016 tuy thấp hơn năm 2015 nhưng vẫn thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá. Một số chỉ số thành phần được đánh giá cao, điểm sáng trong cải cách điều hành gồm: môi trường kinh doanh minh bạch, lãnh đạo và chính quyền có linh hoạt, sáng tạo hơn trong điều hành, dịch vụ lao động có tín hiệu tích cực, gia nhập thị trường dễ dàng hơn. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho biết, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2016, Đắk Lắk có 5 chỉ số tăng, 5 chỉ số giảm. Qua kết quả phân tích chỉ số PCI  các năm thấy rằng, Đắk Lắk đã có một quá trình nỗ lực để cải thiện chỉ số PCI và đã có sự thay đổi tích cực, bền vững. Trong  khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk xếp thứ 2 sau tỉnh Lâm Đồng, nhưng điểm chênh lệch cũng không nhiều, chỉ thấp hơn 0,04 điểm. Nếu so sánh chỉ số thành phần, qua từng năm cũng được cải thiện rất tốt, đáng chú ý là chỉ số gia nhập thị trường được cải thiện rất mạnh mẽ, từ 7,38 (năm 2013) lên 8,66 điểm (năm 2016), tiếp đến là tính minh bạch đạt 6,36 điểm; tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 5,04 điểm, cao nhất trong các năm. Đáng chú ý là, trong chỉ số môi trường kinh doanh minh bạch hơn, tỷ lệ DN tiếp cận với quy hoạch cần có “mối quan hệ” với chính quyền đã giảm qua các năm, đây chính là tín hiệu rất tích cực. Tiếp đến trong chỉ số Lãnh đạo địa phương linh hoạt hơn, sáng tạo hơn trong điều hành, UBND tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao trong việc năng động, sáng tạo, linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như giải quyết các vấn đề mới phát sinh cho DN. Tuy nhiên, điểm số PCI nếu xếp theo quy mô DN được khảo sát có sự chênh lệch rất lớn. Khu vực DN lớn có điểm tương đối cao đạt 67,26 điểm, trong khi đó DN nhỏ và siêu nhỏ chỉ khoảng 56,97 đến 58 điểm, cho thấy họ vẫn còn khó khăn và mất nhiều thời gian hơn các DN lớn trong việc tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ của chính quyền.

Chế biến cà phê rang xay tại Nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột.
Chế biến cà phê rang xay tại Nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột.

5 chỉ số thành phần giảm gồm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ DN. Và như phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Kô Tam là vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu DN, cần được chấn chỉnh trong thời gian tới. Có một nghịch lý là DN lớn thì được quan tâm nhiều, còn những DN có nhiều vướng mắc, tồn tại thì chưa được quan tâm, nhất là đối tượng DN siêu nhỏ.

Chương trình  hành động năm 2017

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước... đối với DN là những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình điều hành, lãnh đạo của UBND tỉnh nên chỉ số thành phần Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh có điểm số tăng cao nhất trong 2 năm qua. Bên cạnh đó, thông qua cuộc gặp mặt định kỳ 2 lần/năm, các buổi đối thoại giữa tỉnh với nhà đầu tư đã tìm ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc giúp DN hoạt động hiệu quả hơn...

Biểu đồ về một trong những chỉ số thành phần có điểm số tăng cao nhất của năm 2016. (Nguồn PCI Việt Nam)
Biểu đồ về một trong những chỉ số thành phần có điểm số tăng cao nhất của năm 2016. (Nguồn PCI Việt Nam)

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2016 có 5 chỉ số tăng, 5 chỉ số giảm, cho thấy sự nỗ lực của chính quyền địa phương vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đây cũng là cơ hội để UBND tỉnh nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế để tiếp tục cố gắng tìm giải pháp khắc phục. Chỉ số PCI thể hiện tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương ngày càng thấy rõ, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Cũng theo khẳng định của ông Nguyễn Hải Ninh, để việc cải thiện chỉ số PCI không đơn thuần là nâng cao điểm số mà chính là nhiệm vụ chính trị trong việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/CQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về cải thiện chỉ số này năm 2017, trong đó tập trung vào những chỉ số thành phần còn thấp, những vấn đề còn hạn chế, cùng nhau tìm giải pháp khắc phục để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nhằm tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, trong đó có phần quan trọng là thúc đẩy cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa.           

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.