Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu: Vẫn còn manh mún

10:49, 05/04/2017

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đang được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, chuyển đổi như thế nào để mang lại hiệu quả vẫn là bài toán khó.

Tự phát là chủ yếu

Huyện Lắk vốn được xem là vựa lúa của tỉnh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Tuy nhiên, những năm gần đây do thời tiết biến đổi bất thường, nhiều diện tích lúa không còn đủ nước để sản xuất nên không ít hộ dân đã tự chuyển sang trồng một số loại cây trồng cạn khác, chủ yếu là khoai lang Nhật Bản do hiệu quả kinh tế cao hơn lúa. Theo Phòng NN-PTNT huyện, trong vụ đông xuân 2015-2016 các địa phương trong huyện đã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng khoai lang, ngô với diện tích 411 ha, trong đó chuyển sang trồng khoai lang 346 ha. Việc chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa nước sang khoai lang và ngô đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần giải quyết bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nhất là trong vụ đông xuân, người dân chuyển đổi sang trồng khoai lang Nhật Bản tại địa bàn các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Nuê, Ea R’bin, Bông Krang, Yang Tao đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng khác cùng thời vụ do giá cao và năng suất đạt cao từ 20-25 tấn/ha. Phòng NN-PTNT huyện cho biết, hiện tại người dân đang đổ xô trồng khoai lang Nhật Bản do giá bán ra cao hơn lúa, mặc dù huyện đã đưa ra nhiều khuyến cáo. Điều này đang kéo theo tình trạng người dân mua cây giống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm về cả chất lượng lẫn kiểm dịch thực vật, thậm chí nhiều hộ còn dùng cả những dây đang lấy củ để làm giống… Mặt khác, đầu ra chủ yếu bán cho thương lái nên sẽ khó tránh tình trạng bị ép giá khi cung cao hơn cầu.

Nông dân huyện Lắk chăm sóc ruộng khoai lang.
Nông dân huyện Lắk chăm sóc ruộng khoai lang.

Tương tự, huyện Ea Súp cũng là vùng đất lúa, việc chuyển đổi những diện tích lúa bấp bênh về nguồn nước sang trồng những cây khác là rất cần thiết. Trong năm 2016, các địa phương trong huyện cũng đã chuyển đổi khoảng 300 ha sang trồng các loại cây như dưa hấu, khoai lang, thuốc lá… đạt hiệu quả kinh tế khá cao so với cây lúa. Chỉ riêng cây thuốc lá tại các xã Ya Tờ Mốt, Ea Lê, Ea Bung, Cư M’lan… cho năng suất, chất lượng cao và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên giá ổn định, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Riêng các loại cây trồng khác đầu ra vẫn đang phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái nên không ổn định.

Theo Sở NN-PTNT, việc chuyển đổi cây trồng diễn ra manh mún, chưa tập trung thành vùng, do đó rất khó khăn cho việc bố trí thời vụ cũng như cơ cấu giống cây trồng. Hơn nữa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa theo định hướng cụ thể, chủ yếu là người dân trồng tự phát chạy theo giá cả thị trường nên đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh.

Đâu là giải pháp?

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện bấp bênh về nguồn nước tưới, cần phải chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp. Hiện tại, công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã được đẩy mạnh, các loại giống lai, giống tốt được đưa vào sản xuất đại trà. Ngoài ra, do giá cả một số loại nông sản bấp bênh (ngô, đậu...) nên người dân đã chuyển đổi sang một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, chủ yếu là cây khoai lang, cây thức ăn gia súc, gừng, nghệ...Vụ đông xuân 2015-2016 diện tích đã chuyển đổi sang trồng khoai lang, ngô, đậu các loại, rau … là trên 2.562 ha; vụ hè thu thì diện tích chuyển đổi không nhiều, chủ yếu từ diện tích ngô sang cây trồng khác với 3.864 ha.

Nông dân  xã Buôn Triết  (huyện Lắk) đang làm đất  để trồng  khoai lang.
Nông dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) đang làm đất để trồng khoai lang.

Trong vụ đông xuân 2016-2017, theo kế hoạch sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước tưới sang trồng các cây khác như khoai lang, rau màu, ngô lai… khoảng 4.500 ha. Diện tích lúa chuyển đổi tập trung chủ yếu ở các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Kar, Krông Bông, Ea Súp…Việc bố trí cây trồng phải xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường tiêu thụ và xác định các biện pháp tổ chức thực hiện phù hợp với từng địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế các kế hoạch đều mang giải pháp tình thế, bởi còn phụ thuộc vào thị trường của các loại nông sản. Phòng NN-PTNT Lắk cho biết, trong vụ đông xuân 2015-2016, trong kế hoạch diện tích khoai lang là 150 ha, nhưng do giá khoai tăng cao, thấy hiệu quả kinh tế cao, nông dân đổ xô đi trồng kéo theo diện tích khoai lang tăng đến 561 ha. Mặc dù không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế của khoai lang Nhật Bản hiện đang cao hơn so với cây lúa nhưng xét về phương diện chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện thiếu nước tưới thì còn nhiều vấn đề phải bàn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó, trong đó định hướng và giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là phải chuyển đổi, bố trí cơ cấu cây trồng cho phù hợp với từng địa bàn, không chỉ có đất lúa mà cả những diện tích cây công nghiệp lâu năm. Để làm được việc này, ngoài các chính sách hỗ trợ và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, cần tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc