Ghép cải tạo vườn ca cao: Một mũi tên trúng nhiều đích
22:09, 25/04/2017
Có mặt tại Việt Nam từ lâu nhưng đến nay ca cao vẫn là cây trồng mới với người dân cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng; năng suất, chất lượng vẫn chưa đạt như mong đợi.
Cây trồng khó mà dễ
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, cả nước có khoảng 11.700 ha ca cao, tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó trên 70% diện tích kinh doanh, năng suất bình quân đạt khoảng 8 tạ khô lên men/ha; sản lượng khoảng 6.600 tấn. Việc phát triển ca cao bền vững có chứng nhận UTZ được triển khai từ đầu nên việc tiêu thụ rất thuận lợi. Tuy nhiên, người dân vẫn không mấy mặn mà với cây trồng này do việc trồng, chăm sóc kỳ công hơn so với các cây truyền thống như lúa, ngô, cà phê...
Ông Nguyễn Dương Thành, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây ca cao |
Tại Đắk Lắk, khí hậu có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau nên cây ca cao ra hoa mạnh chỉ sau mùa mưa từ 3 - 4 tuần và đợt ra hoa rộ thứ 2 vào tháng 9-10. Quả ca cao chín chính vụ vào tháng 10-12 và trái vụ vào tháng 3-4 năm sau. Vì vậy, người trồng phải thu hoạch thường xuyên (nếu thu trễ thì bị thối quả, hạt xấu, chất lượng kém); khâu sơ chế kỳ công, phải trải qua công đoạn ủ lên men mới phơi, sấy được, gây trở ngại cho sự phát triển ổn định lâu dài. Mặt khác, cây trồng này ưa bóng nhưng vẫn cần nắng, cần thông thoáng mới ra hoa và đậu quả nên đòi hỏi người trồng phải thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán, thăm vườn hằng tuần. Ngoài ra, cây ca cao giống như cây ăn trái họ có múi (cam, quýt, bưởi) nên rất mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là bọ xít muỗi, bệnh thối trái… Hiện nay, phần lớn diện tích đều là giống cũ nên khả năng kháng sâu, bệnh chưa tốt; năng suất, chất lượng thấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao. Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc, bón phân hợp lý thì nông dân lại rất nhàn, một người có thể chăm sóc và thu hoạch 1ha ca cao và có thể tự cải thiện năng suất, chất lượng vườn cây. Ông Nguyễn Dương Thành, thôn 2, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) cho biết, vườn ca cao rộng 1,2 ha của gia đình đã trên 10 năm tuổi và chỉ cần 1 nhân công có thể vừa chăm sóc vừa thu hoạch. Năng suất cây trong vườn không đều, có những cây mỗi năm thu về trên dưới 10 kg hạt nhưng cũng có những cây chỉ đạt 1-2 kg hạt/năm, thậm chí 0,5kg hạt/năm. Do đó, những cây bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp được anh cưa đốn, và lấy chồi của cây có năng suất cao trong vườn để ghép cải tạo. Khi một số cây trong vườn bị chết hoặc có nhu cầu mở rộng diện tích ở quy mô nhỏ anh cũng tự ươm giống và tự ghép để trồng.
Ưu tiên chọn các giống mới
Từ thực tế nghiên cứu và thực nghiệm, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã lựa chọn được hai phương pháp ghép hiệu quả để cải tạo vườn cây gồm ghép áp cành và ghép nối ngọn. Theo đó, nông dân có thể lựa chọn cành, chồi ghép là những giống mới được công nhận như TD3, TD5, TD6, TD8, TD10 để ghép. Những cây thuộc bộ giống cũ, năng suất thấp, thường xuyên bị sâu bệnh thì ghép thay thế, còn những cây ít sâu bệnh hơn thì ghép cải tạo.
Ghép nối ngọn cho cây ca cao |
Thạc sĩ Đào Thị Lam Hương, nghiên cứu viên chính của Viện cho biết, ưu điểm của phương pháp ghép là có thể cùng lúc thay thế giống trên vườn cây, cải tạo năng suất trong khoảng thời gian ngắn, không cần nhổ bỏ cây cũ và làm đất để trồng lại cây mới nên chi phí rất thấp. Đặc biệt, cây ghép có thể tận dụng được bộ rễ khỏe của cây cũ nên phát triển rất nhanh, chỉ cần sau 2-3 năm là cây cho thu ổn định. Để ghép hiệu quả thì bà con nên thường xuyên vặt chồi non mới ra trên phần gốc ghép cũ, chỉ cưa bỏ phần thân cây cũ chừa lại khi chồi ghép đã phát triển mạnh để tránh hiện tượng gốc ghép khô và chết; quét dung dịch vôi trên toàn bộ phần mặt thân cây gốc ghép đã cưa, tránh nhiễm nấm bệnh gây hại. Ngoài ra, côn trùng gây hại chính trên cây ca cao sau khi ghép cải tạo chủ yếu là các loại sâu ăn lá, bọ xít muỗi, vì vậy bà con nông dân nên thăm vườn thường xuyên, chú ý phun phòng trừ các loại côn trùng này để bảo vệ vườn cây.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc