Khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Hòa Lễ
Thời gian qua, nông dân xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã chuyển nhiều diện tích đất trồng lúa, ngô, sắn sang canh tác những loại cây trồng cạn đem lại hiệu quả khả quan. Nhưng thực tế cho thấy địa phương vẫn còn gặp phải không ít khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ trăn trở: Những năm gần đây, chính quyền địa phương không ngừng vận động nông dân chuyển đổi các loại cây, con kém năng suất sang các loại khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thế nhưng, do thị trường bấp bênh, chất đất xấu, kén cây và tâm lý của người dân nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chuyển đổi. Ông Sơn dẫn chứng: “Trước đây nông dân thường trồng cây thuốc lá trong vụ đông xuân, được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm mở rộng canh tác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây giá thuốc lá giảm mạnh, tình trạng sâu bệnh nhiều, năng suất cũng không còn như trước nên bà con “thờ ơ” dần với loại cây này. Cũng có những năm các doanh nghiệp về hướng dẫn bà con trồng mía, ớt Hàn Quốc… Nhưng mía đến vụ thu hoạch không ai mua, ớt thì chết đứng hàng loạt hoặc thối quả do chất đất có độ chua không phù hợp với cây. Hiện nay Công ty Cổ phần Mía đường 333 (huyện Ea Kar) đang vận động người dân trồng mía với nhiều chính sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng bà con vẫn còn ngần ngại…”.
Chị Trần Thị Minh Trang ngày ngày túc trực trên ruộng khoai lang Nhật. |
Vụ đông xuân 2016 - 2017, ông Huỳnh Văn Phước ở thôn 7 chuyển 1,5 ha đất trồng thuốc lá sang trồng các loại bí. Nhờ đầu tư chăm sóc bài bản, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nên cây phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, ông Phước vô cùng lo lắng khi giá bí chanh năm ngoái là 5,5 – 6 nghìn đồng/kg thì năm nay chỉ còn 800 đồng/kg. Cũng giống như ông Phước, chị Trần Thị Minh Trang ở thôn 9 mạnh dạn thuê đất đầu tư trồng 16 ha khoai lang Nhật. Nhìn cánh đồng khoai lang mơn mởn sắp cho thu hoạch ai cũng ngỡ là gia đình chị sẽ có một vụ mùa thành công. Tuy nhiên, chị Trang lại buồn rầu: Trồng được cây khoai lang không dễ chút nào! Được biết, vào thời điểm xuống giống xảy ra mấy lần ngập lụt khiến khoai lang của chị chết hàng loạt, phải đến lần thứ 3 xuống giống cây mới có thể sống nổi. Khoản tiền đầu tư cho giống lên đến hàng trăm triệu đồng. Chưa kể tiền đầu tư phân bón, thuốc sâu, nhân công chăm sóc rất nhiều. Chị Trang chỉ mong sao giá cả thị trường ổn định, cây khoai không bị sâu bệnh để có thể thu hồi vốn trang trải chi phí đầu tư thời gian qua chứ chưa mong có lãi.
Trên thực tế, nhiều nông dân ở Hòa Lễ vẫn chưa mặn mà chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bởi họ đã quen với việc trồng lúa, trồng ngô, vừa dễ làm lại vừa có phương tiện cơ giới hỗ trợ từ khâu làm đất đến thu hoạch. Sản phẩm thu hoạch được nếu mất giá có thể dùng làm lương thực cho người và gia súc. Mặt khác, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ thường xuyên xảy ra khiến không ít người ngại xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng hay áp dụng các loại cây trồng, vật nuôi mới.
“Xã Hòa Lễ hiện có 1.223 ha đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày. Vụ đông xuân vừa qua nông dân chỉ gieo trồng được khoảng 450 ha (chiếm 36,8%) do điều kiện đất đai kén các loại cây trồng. Trong khi đó chính quyền địa phương cũng chưa tìm được loại cây nào thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.” - ông Sơn giãi bày thêm.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc