Kỳ vọng từ Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững
Dự án (DA) chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) được triển khai khi ngành cà phê cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang gặp nhiều khó khăn đã mở ra kỳ vọng mới cho người trồng cà phê.
DA VnSAT (2015-2020) do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thông qua việc nâng cao năng lực thể chế và tổ chức lại sản xuất cho ngành lúa gạo và cà phê. DA đang được triển khai tại 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (lúa gạo) và 5 tỉnh Tây Nguyên (cà phê) với tổng vốn điều lệ 301 triệu USD, trong đó vốn vay từ WB 238 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 28 triệu USD, vốn tư nhân 35 triệu USD. Riêng hợp phần phát triển cà phê bền vững có tổng vốn đầu tư gần 98,7 triệu USD (trong đó vốn phi tín dụng gần 48,7 triệu USD, vốn tín dụng 50 triệu USD) nhằm tập huấn cho nông dân, xây dựng 124 mô hình sản xuất, tái canh cà phê bền vững, tưới tiết kiệm nước; xây dựng cơ sở giao thông nội đồng; hỗ trợ hạ tầng và trang thiết bị sơ chế, bảo quản cà phê cho 23 HTX, tổ hợp tác; nâng cấp vườn ươm cây giống cà phê; giải ngân vốn vay tái canh cà phê cho nông dân... Theo đó, DA sẽ hỗ trợ 63.000 hộ nông dân Tây Nguyên canh tác cà phê bền vững trên diện tích 69.000 ha thông qua việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, đưa lợi nhuận của nông dân có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng sản xuất cà phê khoảng 48-50 triệu USD/năm (242-250 triệu USD cho 5 năm) và lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh cà phê (20-25 năm). Ngoài hỗ trợ ngành hàng, DA còn hướng tới giảm tác động tiêu cực môi trường thông qua việc giảm nước tưới, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác; tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đại diện các tỉnh Tây Nguyên tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững tại Đắk Lắk. |
Tại Đắk Lắk, DA có tổng vốn đầu tư gần 270,7 tỷ đồng (trong đó vốn IDA gần 162,9 tỷ đồng, vốn Chính phủ hơn 51,4 tỷ đồng, vốn tư nhân gần 56,4 tỷ đồng) nhằm đầu tư và chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước thông qua xây dựng mô hình (500 ha/mô hình); cung cấp các khoản vay dài hạn (9 năm) cho hộ nông dân tái canh thông qua các ngân hàng thương mại trên diện tích 9.000 ha (phù hợp với kế hoạch tái canh của tỉnh); cải thiện chất lượng quy hoạch tổng thể và quy hoạch tái canh cà phê đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả dựa trên kỹ thuật viễn thám và điện toán để phân tích dữ liệu không gian trong sản xuất và tái canh cà phê; nâng cao chất lượng và dịch vụ công hỗ trợ nông dân trong việc đăng ký chất lượng vườn ươm, cấp giấy chứng nhận và giám sát chất lượng cây giống, giám sát dịch bệnh; kiểm soát, kiểm tra đất, chẩn đoán dinh dưỡng, tư vấn công thức phân bón cho cà phê; nâng cấp cơ sở vườn ươm tạo giống đầu dòng và phổ biến công nghệ thực hành tốt trong sản xuất cà phê bền vững... Đến tháng 2-2017, DA đã tập huấn cho 57 tiểu giáo viên, 1.278 nông dân về sản xuất cà phê bền vững và 646 nông dân về tái canh cà phê bền vững. Năm 2017 Đắk Lắk tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về sản xuất cà phê bền vững cho nông dân; xây dựng 9 công trình đường nội đồng tại các vùng sản xuất của các tổ chức nông dân vùng DA…
Một mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Cư M’gar. |
Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê (sau Brazil) và đứng thứ nhất về sản lượng xuất khẩu cà phê robusta nhưng hiện nay ngành cà phê lại đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất như biến đổi khí hậu, diện tích cà phê già cỗi tăng, sâu bệnh, giá cả không ổn định... đe dọa vị trí cường quốc xuất khẩu cà phê trong tương lai. Hiện tại, DA VnSAT đang từng bước giúp ngành cà phê giữ vững sản lượng và nâng cao chất lượng bằng cách chỉnh đốn việc sản xuất cây cà phê giống từ các vườn ươm; tổ chức lại sản xuất cho ngành cà phê thông qua việc xây dựng các mô hình tái canh, sản xuất cà phê bền vững từ vườn đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, DA đang nỗ lực hướng dẫn nông dân giảm lượng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của DA, cà phê Việt Nam sẽ khắc phục những nhược điểm trong quá trình canh tác, chế biến, tiêu thụ và phát huy lợi thế về giống để đưa ngành cà phê chuyển bước hiệu quả sang thời kỳ mới.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc