Multimedia Đọc Báo in

Phát triển chuỗi giá trị nông sản Tây Nguyên: Nút thắt cần tháo gỡ

08:43, 18/04/2017

Tây Nguyên là vùng có nhiều lợi thế so sánh về cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, điều, chè, cao su... Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển chuỗi giá trị nông sản ở khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Những “điểm nghẽn”

Với khoảng 2 triệu hec-ta đất sản xuất nông nghiệp, Tây Nguyên được đánh giá là vùng nông nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, bước đầu theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung. Trong đó, cà phê 1,3 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng của cả nước; hồ tiêu 83.000 tấn, chiếm 56%; chè 228.000 tấn, chiếm 24% sản lượng cả nước; cao su chiếm 27% về diện tích và 18% về sản lượng, điều chiếm 22% sản lượng cả nước. Nông nghiệp là thế mạnh nhưng lợi thế này chưa khai thác hiệu quả; chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Tây Nguyên trên thị trường còn thấp; xuất khẩu chủ yếu dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu mạnh nên giá trị mang lại không cao.

Mô hình sản xuất cà phê bền vững ở huyện Cư M'gar.
Mô hình sản xuất cà phê bền vững ở huyện Cư M'gar.

Đối với chuỗi giá trị cà phê cũng đang đối mặt với khá nhiều vấn đề bất ổn từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại, thị trường. Do manh mún về diện tích cùng với biến đổi khí hậu làm nguồn nước mặt đang cạn kiệt nên chi phí đầu tư ngày càng tăng cao, thêm vào đó thời tiết không thuận lợi làm giảm chất lượng quả. Việc sơ chế cà phê còn thô sơ, thiếu đồng bộ, chế biến sâu chiếm tỷ trọng khá thấp, các sản phẩm từ cà phê chưa phát triển; xuất khẩu và tiêu thụ vẫn chủ yếu là cà phê nhân, thiếu sự liên kết làm cho giá trị kinh tế mang lại không tương xứng. Trong khí đó, chuỗi giá trị hạt tiêu lại gặp bất ổn bởi sự phát triển nóng trong thời gian qua. Sự phát triển nhanh chóng về diện tích, cùng với đầu tư cao về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như tăng nguy cơ dịch bệnh, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này. 

Theo phân tích của ông Nguyễn Việt Long, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bên cạnh những bất ổn đặc thù của từng chuỗi giá trị, nông sản Tây Nguyên gặp bất ổn chung ở vấn đề liên kết. Gần như, các mô hình liên kết từ cà phê, hồ tiêu, điều... đều còn ở quy mô nhỏ, rời rạc, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực này cũng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, làm giảm khả năng thu hút đầu tư; số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 5% với quy mô chủ yếu vừa và nhỏ nên năng lực cạnh tranh thấp; chịu ảnh hưởng lớn từ các rủi ro xuất phát từ thị trường, giá cả, cũng là những “điểm nghẽn” của quá trình phát triển nông nghiệp của khu vực Tây Nguyên.

Cần một chiến lược phát triển phù hợp

Từ thực tiễn sản xuất cho thấy, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành đối với một số sản phẩm nhưng chưa phát huy hiệu quả, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa tạo ra sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường. Cho nên một trong những nút thắt cần tháo gỡ để thúc đẩy nông nghiệp vùng phát triển chính là cần phát huy tính liên kết chuỗi giá trị từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm cuối cùng để tạo ra những sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Cũng theo ông Nguyễn Việt Long, hầu hết các cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên là cây công nghiệp lâu năm đã đến thời điểm cuối kỳ kinh doanh, do đó cần có hỗ trợ tích cực của cơ chế, chính sách  để đẩy mạnh chương trình tái canh. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển về hệ thống nông nghiệp cây công nghiệp, trong đó các cây trồng luân canh, xen canh cần được nghiên cứu nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi cây trồng phù hợp, bảo đảm thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đối với cây tiêu thường hay bị dịch bệnh, sau một thời gian canh tác phải có thời gian cho đất “nghỉ ngơi” để hạn chế lây lan.

Kho hàng của Nhà máy Chế biến Cà phê Xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột.
Kho hàng của Nhà máy Chế biến Cà phê Xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột.

Để khắc phục những hạn chế và tận dụng các lợi thế, theo ông Nguyễn Đức Lộc, Trung tâm Chính sách và chiến lược Nông nghiệp nông thôn miền Nam, Tây Nguyên cần một kế hoạch liên kết phát triển vùng nhằm tạo không gian thống nhất để thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, DN, người dân trong vùng. Trong đó, quan trọng là tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân và DN trên cơ sở chia sẻ công bằng về lợi ích và trách nhiệm, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách liên vùng trong việc hỗ trợ và khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế hợp tác công – tư để phát triển chuỗi giá trị mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp.    

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.