Xây dựng điểm bán hàng Việt cố định ở vùng sâu, vùng xa: Đến bao giờ mới được triển khai?
Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm kết nối người tiêu dùng và doanh nghiệp nội. Theo đó cũng rất cần các điểm bán hàng cố định để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt và các sản phẩm chất lượng của địa phương.
Thiếu kênh phân phối
Tâm lý tin dùng hàng Việt ngày càng cao của người dân trong tỉnh những năm gần đây đã khiến tỷ lệ hàng Việt được bày bán trên thị trường chiếm tỷ lệ lớn. Riêng tại các kênh phân phối hiện đại ở TP. Buôn Ma Thuột như siêu thị Co.opMart, VinMart Buôn Ma Thuột, hàng Việt chiếm tỷ lệ trên 90%. Hàng trong nước được nhiều cửa hàng bày bán chung với hàng không rõ nguồn gốc hoặc lẫn với hàng ngoại khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng Việt, đâu là hàng liên doanh.
Còn tại các vùng nông thôn trong tỉnh, tâm lý thích mua hàng giá rẻ cộng với độ phủ sóng hàng Việt thấp là một trong những nguyên nhân để hàng giả, nhái, kém chất lượng bày bán tràn lan. Nhiều sản phẩm và đặc sản chất lượng của địa phương như xoài, gạo Ea Súp; bánh tráng Ea Bar, cam (Buôn Đôn); heo, gà ở huyện Krông Pắc, Ea Kar; bơ Dakkado; cơ khí Đăng Phong... xuất đi các tỉnh khác rất được ưa chuộng, trong khi người dân địa phương vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi các sản phẩm này do chưa xây dựng được nhiều điểm bán tập trung. Chị Nguyễn Thị Lan Phương (huyện Ea Súp) cho hay, trước nhiều thông tin về hàng Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng, chị chỉ tin dùng hàng nội chất lượng bảo đảm, nhưng hàng Việt được bày bán tại địa bàn huyện lại không nhiều và khá ít chủng loại nên khó mua được sản phẩm Việt ưng ý.
Hàng Việt được bày bán chung với hàng ngoại tại chợ Ea Tyh (huyện Ea Kar) khiến khách hàng lúng túng khi chọn mua hàng nội. |
Thời gian qua, hoạt động được coi là tích cực nhất để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt là việc tổ chức các phiên chợ đưa “hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa” trong tỉnh, qua đó góp phần giúp độ nhận biết của người dân về hàng thật, hàng giả tăng lên đáng kể; từ đó, tâm lý tin dùng hàng nội chất lượng, nguồn gốc rõ ràng cũng phổ biến hơn… Tuy nhiên, mỗi phiên chợ chỉ được tổ chức trong thời gian khá ngắn, như kiểu “buôn chuyến” theo từng đợt mà chưa có kênh phân phối bền vững, chiến lược dài hơi khiến người dân chưa biết mua hàng Việt ở đâu khi phiên chợ kết thúc.
Ngay cả với Co.opMart Buôn Ma Thuột, đơn vị tham gia tích cực trong việc đưa hàng Việt về nông thôn cũng tỏ ra lúng túng khi tìm giải pháp phân phối hàng Việt thường xuyên hơn về các xã vùng xa của tỉnh. Ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc siêu thị thẳng thắn nhìn nhận, ngoài việc tham gia Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia thì đều đặn hằng năm, DN đều chủ động tổ chức bán hàng lưu động, để hàng Việt giá rẻ đến tay người tiêu dùng thông qua chương trình giảm giá, bán giá thấp hơn sản phẩm cùng loại, mua hàng tặng quà đi kèm… Song đây chỉ là cách làm nhất thời nên hàng nội vẫn khó đến tay người tiêu dùng một cách thường xuyên.
Cần điểm bán hàng Việt cố định
Ngày 4-8-2015, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 8056/BCT-TTTN về việc hướng dẫn xây dựng mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào Việt Nam” thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, Bộ yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các điểm bán hàng Việt tại địa phương, lồng ghép, gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác. Hàng hóa được bày bán tại điểm bán hàng này phải đạt 100% là hàng được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... và thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công thương. Đây là địa điểm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khai thác thông tin hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, có kế hoạch phát triển sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nhằm kích thích sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai mô hình này như Lâm Đồng, Bắc Giang, Thái Nguyên… và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Các điểm bán 100% hàng Việt đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người dân.
Riêng tỉnh ta, đến nay vẫn chưa có điểm bán hàng Việt cố định như trên. Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Ngọc Dương cho rằng, xây dựng điểm bán hàng Việt là hoạt động quan trọng, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nội địa, đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, giúp người dân trong tỉnh được sử dụng hàng Việt chính hãng. Sở cũng đã và đang vận động, khuyến khích doanh nghiệp mở điểm bán hàng Việt tại các vùng nông thôn trong tỉnh, đây được kỳ vọng sẽ là điểm bán hàng thu hút đông đảo người tiêu dùng. Song đáng tiếc là đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa có mô hình nào được triển khai.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc