Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ tài sản trí tuệ: Cần nâng cao nhận thức cho chủ sở hữu

09:22, 29/05/2017

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, tránh sự lạm dụng, giả mạo; đặc biệt gia tăng giá trị hàng hóa… thế nhưng đa số các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Kỳ 1: Giá trị tài sản trí tuệ còn bị bỏ phí

Những năm gần đây, hoạt động đăng ký, xác lập bảo hộ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, với đặc thù địa phương có thế mạnh về phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp thì số doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh  được cấp văn bằng còn rất ít.

“Lơ là” việc tự bảo vệ tài sản trí tuệ

Đắk Lắk là địa phương có những sản phẩm nổi tiếng đã có chỗ đứng trên thị trường như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, bò thịt… Thế nhưng đến nay số lượng các sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền SHTT dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, đó là Nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Cư Kuin, Nhãn hiệu tập thể bò thịt Ea Kar, Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột... Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 6.250 doanh nghiệp đang hoạt động và hàng ngàn hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhưng đến nay chỉ mới có trên 938 tổ chức, cá nhân làm đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, có khoảng 540 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 519 nhãn hiệu hàng hóa, 15 kiểu dáng công nghiệp, 4 giải pháp hữu ích và 2 sáng chế. Có thể thấy, con số được bảo hộ quyền SHTT này còn quá khiêm tốn.

 Người dân  ở huyện Krông Năng phát triển kinh tế  từ cây  mắc ca.
Người dân ở huyện Krông Năng phát triển kinh tế từ cây mắc ca.

Một điều đáng nói nữa, không chỉ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh mà ngay cả nhiều huyện đang có thế mạnh về các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương như: tinh dầu sả Ea Tir (Ea H’leo), hạt mắc ca Krông Năng, gà thịt Ea Kar… vẫn chưa đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Ông Dương Bình Tuy, Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, tìm hiểu đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, trong đó phần lớn là tập trung vào đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhưng số lượng còn rất ít. Đơn cử như trong năm 2016, mặc dù Sở đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức để giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ hơn về quyền và lợi ích của việc bảo hộ SHTT nhưng toàn tỉnh chỉ có 142 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 117 sản phẩm được cấp văn bằng”.

Nhận thức chưa đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh chưa mặn mà với việc bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm của mình làm ra là do nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc xác lập quyền SHTT; lối sản xuất thủ công, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Hơn thế nữa, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân dường như chưa hiểu rõ những lợi ích mà mình sẽ được hưởng khi quyền bảo hộ nhãn hiệu được công nhận... Ðó cũng chính là “lực cản” lớn nhất khiến cho một số sản phẩm đặc trưng của địa phương khó tìm tìm chỗ đứng trên thị trường.

Song song đó, để viết bản mô tả sáng chế cực kỳ phức tạp, nhiều tác giả mất rất nhiều thời gian làm đi làm lại mới hoàn thiện được hồ sơ. Mặt khác, nhiều sản phẩm của các cơ sở, đơn vị đã được bảo hộ vẫn bị làm giả, làm nhái nhưng chưa được xử lý chưa triệt để, hoặc có thì chế tài xử phạt lại không đủ mạnh để răn đe bởi mức phạt rất thấp so với thực tế lợi nhuận từ việc làm hàng giả mang lại.

Theo ông Dương Bình Tuy, lệ phí đăng ký SHTT vẫn còn cao như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì từ 1 đến 3 triệu đồng; đăng ký bảo hộ sáng chế và duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ từ 20 đến 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, khoảng thời gian để được cấp văn bằng SHTT lại khá lâu, thường là từ 1 đến 3 năm.

Theo anh Lê Trường Sinh, chủ cơ sở sản xuất nhang, trầm Đạt Thành tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, việc đăng ký thủ tục bảo hộ quyền SHTT cho một số sản phẩm của anh thực hiện từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2017 mới được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Dù đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng thời gian qua trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều sản phẩm nhang, trầm làm giả, nhái thương hiệu Đạt Thành. Được biết, cơ sở sản xuất nhang, trầm của anh Sinh đã có 9/23 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Hay như với sản phẩm máy đùn gạch của kỹ sư Hoàng Thịnh (huyện Krông Ana) mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2002, nhưng ngay sau đó, sản phẩm đã bị nhiều cơ sở cơ khí làm nhái bán với giá rẻ hơn. Để đòi lại bản quyền sáng chế bị đánh cắp, ông Thịnh đã bỏ ra thời gian hơn 10 năm “vác” đơn đi kiện...

Những vướng mắc, rào cản trên đã khiến không ít doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh chưa mặn mà với việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm của mình làm ra; đặc biệt chính quyền các địa phương cũng chưa mấy chú trọng đến bảo hộ đặc sản mang tính đặc trưng của mỗi vùng. Từ đó dẫn đến việc  họ phải đối mặt với những khó khăn như: không tạo được niềm tin ở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm, chịu thiệt thòi về giá cả; dễ bị hàng kém chất lượng, hàng giả trà trộn; sản phẩm không có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường… 

(Còn nữa)

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.