Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột hướng đến trung tâm du lịch vùng Tây Nguyên

15:11, 28/05/2017

TP. Buôn Ma Thuột đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch (DL) Tây Nguyên và là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Thiếu điểm nhấn

Có một thực tế hiện nay là sản phẩm DL ở Buôn Ma Thuột còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, dịch vụ tại các khu, điểm DL na ná nhau. Trong một ngày, du khách gần như có thể “biết hết” về Buôn Ma Thuột. Cụ thể, muốn tham tham quan các di tích lịch sử cách mạng thì đến Bảo tàng tỉnh, Nhà đày Buôn Ma Thuột, di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du, Đình Lạc Giao. Để tìm hiểu về đời sống, văn hóa của người bản địa thì về buôn Akô Dhông, Kô Sia hay bất kỳ buôn truyền thống nào của người Êđê khu vực nội thành. Về DL sinh thái, không đi thác Đray Nu, Đray Sáp thì chỉ có thể dạo qua Khu DL sinh thái văn hóa Kô Tam, Làng cà phê Trung Nguyên. Bên cạnh đó, việc kết nốt tuor từ Buôn Ma Thuột đến các điểm du lịch khác như Buôn Đôn, Lắk… cũng chỉ kéo dài 1 – 2 ngày. Chưa kể, sức hấp dẫn và chất lượng các sản phẩm, dịch vụ DL cũng chưa cao khiến du khách nhàm chán và không muốn ở lại lâu.

Ngã Sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột là một trong những địa điểm du khách thường đến tham quan.
Ngã Sáu trung tâm TP. Buôn Ma Thuột là một trong những địa điểm du khách thường đến tham quan.

Một thế mạnh tạo nên điểm nhấn đặc trưng của DL Buôn Ma Thuột nhưng chưa được khai thác hiệu quả là DL Homestay gắn với văn hóa của người Êđê. Đây là loại hình mà du khách, đặc biệt là khách quốc tế rất ưa thích nhằm tìm hiểu, khám phá cuộc sống, đời sống văn hóa tinh thần độc đáo của người dân bản địa. Theo ông, Đoàn Văn Thống, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, lợi ích của Homestay là sẽ kéo dài thời gian lưu trú của du khách, qua đó, kích cầu các dịch vụ khác, nên vừa mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh DL vừa tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Do đó, địa phương sẽ chú trọng phát triển hình thức du lịch này thông qua việc bảo tồn mạng lưới buôn truyền thống. Cụ thể, thành phố hiện có có 33 buôn truyền thống, trong đó, nhiều buôn được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị về kiến trúc cảnh quan, văn hóa như các buôn Akô Dhông, Ky, Alê A, Alê B, Păn Lăm... Hiện, một số buôn tại xã Ea Kao, phường Tân Lợi cũng đã bước đầu có các hoạt động DL cộng đồng, dịch vụ cắm trại phục vụ khách tham quan, lưu trú với người dân tộc thiểu số tại chỗ. Thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu và xây dựng các tuyến đường trồng hoa và cây xanh đặc trưng của Tây Nguyên để phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư bảo tồn 3 buôn truyền thống là buôn Akô Dhông, buôn Tôur, buôn K’mrơng Krông B trở thành buôn văn hóa DL nhằm thu hút du khách.

Đa dạng hóa loại hình du lịch

TP. Buôn Ma Thuột đóng vai trò là đại diện, điểm đến đầu tiên và địa bàn lưu trú chính của du khách, vì vậy, địa phương sẽ đa dạng hóa các sản phẩm DL để giữ chân du khách. Đối với hoạt động DL văn hóa, lễ hội, lịch sử, sẽ ưu tiên phát triển các chương trình DL văn hóa, văn hóa, lễ hội cồng chiêng gắn với Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Về DL trải nghiệm khám phá, nghỉ dưỡng, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các khu, điểm DL, khai thác hiệu quả không gian cây xanh, mặt nước, đặc biệt là các không gian gắn với hồ tự nhiên, hồ thủy lợi, công viên, lâm viên phía Đông, Đông Nam thành phố như: Hồ Ea Kao, khu rừng Hòa Thắng, rừng cảnh quan Tân Thành…

Cùng với việc đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm DL, địa phương cũng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, Khu DL hồ Ea Kao được xác định là dự án trọng điểm với mục tiêu đưa địa điểm này thành khu DL hiện đại, cao cấp, kiến trúc mang đậm bản sắc Tây Nguyên với cảnh quan thiên nhiên đẹp gắn với cây xanh, hồ nước và cung cấp nhiều sản phẩm DL cao cấp như nghỉ dưỡng, sân golf 18 lỗ, tìm hiểu văn hóa, vui chơi giải trí, vườn bách thú, với các khu chức năng phục vụ sản phẩm DL đặc thù biểu diễn nghệ thuật, casino, khu dịch vụ cho du khách quốc tế... Ngoài ra, một số khu vực khác cũng được đầu tư phát triển DL như Điểm DL kết hợp nghỉ dưỡng rừng Ea Kmát, xã Hoà Thắng (quy mô khoảng 55 ha), Điểm DL hồ Ea Tam, phường Tân Lập (125 ha), Khu DL nghĩ dưỡng hồ Cuôr Kăp, xã Hoà Thắng (300 ha), Điểm DL hồ Kô Tam, xã Ea Tu (120 ha) và vùng DL sinh thái dọc hành lang sông Sêrêpốk, suối Ea Tam…

Theo Đề án phát triển du lịch Buôn Ma Thuột, năm 2020, địa phương đón khoảng 900.000 lượt khách, trong đó, 87.000 lượt khách quốc tế; năm 2030, đón khoảng 2.300.000 lượt khách, trong đó, 200.000 lượt khách quốc tế. Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển DL Buôn Ma Thuột từ nay đến năm 2030 khoảng 7.600 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 589 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 7.050 tỷ đồng.


Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc