Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng "bẫy nợ xấu" từ vay tiêu dùng

10:28, 14/05/2017

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, dịch vụ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính (TCTC) phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thuận lợi mà hình thức mua sắm này mang lại, có những phát sinh mà không phải người tiêu dùng nào cũng biết.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim (TP. Buôn Ma Thuột).
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị điện máy Nguyễn Kim (TP. Buôn Ma Thuột).

Không kể đến yếu tố lãi suất mà thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo, một vấn đề rất quan trọng khác là “bẫy nợ xấu” luôn rình rập với bất kỳ người tiêu dùng nào khi sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng từ các TCTC. Theo nguyên tắc, khi khách hàng sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng là đã phát sinh quan hệ tín dụng. Vì vậy, các TCTC sẽ cung cấp cho Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin về các khoản vay, tên người vay, tổ chức vay và quá trình thanh toán khoản vay đó. Sau đó, CIC sẽ tổng hợp chúng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất phản ánh lịch sử tín dụng của người vay. Điều đáng nói là đa số các khoản mua sắm từ các TCTC đều là những khoản vay nhỏ như điện thoại, máy tính, xe máy, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình... Do là các khoản vay nhỏ, thời gian trả nợ kéo dài nên khách hàng thường chủ quan trong quá trình thanh toán và hay xảy ra tình trạng “quên” trả nợ.

Nhân viên một tổ chức tài chính giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng xe gắn máy ở huyện Cư Kuin.
Nhân viên một tổ chức tài chính giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng xe gắn máy ở huyện Cư Kuin.

Thế nhưng, do các khoản vay tiêu dùng thường có rủi ro lớn, nên việc quản lý các khoản vay, nhất là thời gian trả nợ của khách hàng được các TCTD quản lý rất chặt, chỉ cần quá hạn 1 ngày, lập tức các TCTC tính tiền phạt lãi quá hạn. Đây chính là cái “bẫy nợ xấu” nhiều người mắc phải mà không hề hay biết. Bởi dù chỉ là những khoản vay nhỏ, nhưng là quan hệ tín dụng nên tất cả khách hàng đều có thông tin trên CIC. Trên hệ thống CIC, người vay sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm: nhóm 1: dư nợ đủ tiêu chuẩn (là các khoản nợ có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn, nhưng nếu quá hạn từ 1 đến dưới 10 ngày, vẫn nằm trong nhóm đủ tiêu chuẩn nhưng sẽ bị phạt lãi quá hạn 150%); nhóm 2: dư nợ cần chú ý (là các khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày); nhóm 3: dư nợ dưới tiêu chuẩn (là các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày); nhóm 4: dư nợ có nghi ngờ (là các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày) và nhóm 5: dư nợ có khả năng mất vốn (là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày).

Một khi khách hàng đã bị xếp vào nhóm nợ xấu thì hầu hết các ngân hàng sẽ không cấp tín dụng dưới bất cứ hình thức nào và phải đợi đến 2 năm thì tình trạng của khách hàng trong hệ thống mới trở lại bình thường. 

Theo một cán bộ trong ngành Ngân hàng, khi cấp xét tín dụng cho khách hàng, các ngân hàng sẽ truy cập vào hệ thống CIC và kiểm tra thông tin của khách hàng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Và dù khách hàng nằm trong nhóm 1, nhưng đã bị phạt lãi, ngân hàng cũng phải cân nhắc trước khi cho vay. Hơn nữa, tùy từng mức độ trả quá hạn có thường xuyên hay không, ranh giới giữa nhóm tiêu chuẩn cũng có thể dễ chuyển sang nhóm nợ xấu. Ở một số ngân hàng có hệ thống kiểm soát rủi ro khắt khe, khi khách hàng chạm mức 3 thì không bao giờ ngân hàng đó cấp tín dụng, cho dù là bao nhiêu năm đã qua đi nữa. Theo vị cán bộ này, nhiều người có tài sản bảo đảm tốt và có khả năng vay số tiền rất lớn, nhưng cũng không được ngân hàng xét cho vay chỉ vì lỡ “quên” một khoản vay mua sắm rất nhỏ nào đó. Vì vậy, để không bị “vướng” những khoản nợ xấu không đáng có, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của bản thân, khách hàng sử dụng dịch vụ mua sắm từ các TCTC cần bảo đảm thời gian trả nợ đối với các khoản vay này…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc