Multimedia Đọc Báo in

Chi phí không chính thức - hai mặt của một vấn đề

19:48, 29/05/2017
Thời gian gần đây, tại các diễn đàn chính thức, người ta đang nói nhiều, nghe nhiều đến cụm từ “chi phí không chính thức” từ phía các doanh nghiệp (DN). Vậy “chi phí không chính thức” là chi phí gì? Vì đâu mà cụm từ này ngày một trở nên “nóng” và được các DN than phiền công khai đến vậy.
 
Mới đây, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017, Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) đã công bố một thông tin khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, đó là có đến 66% trong số 11 nghìn DN tham gia khảo sát đã xác nhận phải trả các khoản chi phí không chính thức. Các DN thường phải trả loại chi phí này khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện...
 
Bên cạnh nguyên nhân từ sự yếu kém hoặc cố tình gây khó khăn cho DN trong khâu thực thi thủ tục hành chính mà ở đó DN là nạn nhân thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận DN cũng chính là tác nhân của “chi phí không chính thức”. Thông thường, “chi phí không chính thức” là các khoản chi “bôi trơn” để cho các thủ tục hành chính được suôn sẻ, nhanh chóng hoặc để phòng ngừa sự phiền hà từ các đoàn thanh tra, kiểm tra. Thứ hai là khoản chi để tăng khả năng cạnh tranh (thường không lành mạnh) trong các nguồn lực như các hợp đồng đấu thầu, tiếp cận đất đai... nhằm phục vụ lợi ích kinh doanh của DN. Bởi thực tế lâu nay, đa phần DN đang chạy theo xu thế kinh doanh bằng “quan hệ” thay cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động “chi ngầm” để có được các thuận lợi trong kinh doanh. Từ đó, các khoản “chi ngầm” đã trở thành thông lệ trong kinh doanh và thói quen, nếp nghĩ của cả DN lẫn người thực thi công vụ ở các cơ quan Nhà nước.
 
Do vậy, thay vì suốt ngày “kêu” về “chi phí không chính thức”, hơn ai hết, DN cũng phải đồng hành với các cấp chính quyền trong việc “làm sạch” môi trường kinh doanh. Để làm được việc đó, cộng đồng DN phải tạo thói quen, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, kinh doanh liêm chính mới giải quyết được tận gốc tình trạng phí “bôi trơn” - “chi phí không chính thức”!
 
Quốc Anh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.