Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả kinh tế cao từ trồng dâu nuôi tằm

20:55, 08/05/2017

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu, 16 hộ dân tổ dân phố (TDP) 4, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) đã chuyển đổi hơn 6 ha lúa, cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2013, hộ ông Nguyễn Văn Dũng có hơn 1 ha đất chủ yếu trồng lúa nước và hoa màu. Do không chủ động được nguồn nước, đất lại nghèo dinh dưỡng nên năng suất cây trồng rất thấp, thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí chỉ khoảng 50 triệu đồng/năm. Tìm hiểu trên sách, báo, đài, ông Dũng còn sang tận huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Sau nhiều ngày trăn trở, ông quyết định cải tạo 3 sào ruộng chuyển sang trồng dâu. Cây dâu phát triển tốt sau 6 tháng là nuôi được tằm. Đến nay, ông Dũng đã mạnh dạn tăng thêm 5 sào đất trồng dâu, đồng thời cải tiến các né nuôi tằm bằng gỗ thay né tre, mùa nóng thì nuôi tằm trên nền xi măng... Với 8 sào dâu, mỗi năm gia đình ông nuôi được 30 hộp tằm, thu được 1.500 kg kén, với giá kén trung bình 140.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Ông Dũng (phải) trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm với người dân trên địa bàn.
Ông Dũng (phải) trao đổi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm với người dân trên địa bàn.

Tương tự, năm 2015 gia đình chị Lê Thị Thủy có 2,5 sào ruộng, mỗi năm thu hoạch lúa hai vụ được 2 tấn, trừ chi phí còn hơn 10 triệu đồng. Qua tìm hiểu mô hình trồng dâu nuôi tằm từ hộ ông Dũng, gia đình chị Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi 2,5 sào lúa kém hiệu quả sang trồng dâu. Để đạt năng suất cao, chị chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm để áp dụng như: phải đào rãnh, lên luống khi trồng dâu trên đất ruộng, nhà để nuôi tằm phải sạch sẽ thoáng mát, mùa lạnh phải đun lửa than sưởi ấm cho tằm… Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm gia đình chị Thủy nuôi được 18 hộp tằm, trung bình mỗi hộp đạt 50 kg kén, trừ chi phí thu được 120 triệu đồng. Chị Thủy chia sẻ: “Tơ tằm là một sản phẩm có giá trị cao, trên thị trường hiện nay nhu cầu kén rất lớn. Riêng tại Đắk Lắk, trồng dâu nuôi tằm không phải là loại hình sản xuất phổ biến, sản lượng chưa nhiều, cung chưa đáp ứng cầu nên sản phẩm kén làm ra bao nhiêu thì đại lý trên địa bàn thu mua bấy nhiêu. Nghề trồng dâu nuôi tằm đầu tư không nhiều, đất trồng dâu không đòi hỏi dồi dào dinh dưỡng nên có thể chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm để tăng thêm thu nhập”.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Liên Sơn, chị Thủy đã phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng mô hình kinh tế này tới nhiều hội viên trên địa bàn. Hiện nay, đã có 16 hộ hội viên phụ nữ tại TDP 4 chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Mô hình kinh tế này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ.

                                                                                                     Đăng Quang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.