Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ công tác tái canh cà phê ở Ea Ktur

16:15, 31/05/2017

Những năm gần đây, bà con nông dân xã Ea Ktur (Cư Kuin) đã thực hiện tái canh cà phê khá hiệu quả bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chọn giống tốt, học hỏi các quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật.

Ea Ktur là một trong những địa bàn có diện tích cà phê lớn nhất huyện Cư Kuin với trên 3.300 ha. Ngoài một số diện tích đã được chuyển đổi sang trồng tiêu và một số cây trồng khác, phần lớn diện tích cà phê già cỗi vẫn được xác định là tái canh để trở thành cây trồng chủ lực. Đến nay, xã Ea Ktur đã thực hiện trồng lại được trên 1.400 ha cà phê, trong đó có 800 ha do địa phương quản lý và 600 ha do các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Các giống được chọn tái canh chủ yếu là giống cà phê ghép TR9 hoặc các giống mới có nguồn gốc từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Một số hộ dân có nhu cầu trồng tiêu vẫn được định hướng xen canh cà phê chứ không trồng đại trà trên diện tích rộng.

Từ Quốc lộ 27 đi vào trung tâm xã Ea Ktur và các thôn 1, 2, 3, 4 dễ bắt gặp hình ảnh những vườn cà phê mới được tái canh xanh mơn mởn, tràn trề sức sống. Anh Y Nguyên Byă, người dân thôn 4 cho biết, sau khi nghe các cán bộ khuyến nông xã khuyến khích và được Hội Nông dân tập huấn trồng lại cà phê trên diện tích đã già cỗi, anh đã đến Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để mua giống. Nhờ trồng và chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên vườn cà phê phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với thời tiết thất thường, tỷ lệ đậu quả cao, quả to và đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch.

 Anh  Y Nguyên Byă đang chăm sóc vườn cà phê  tái canh  năm thứ 3  của mình.
Anh Y Nguyên Byă đang chăm sóc vườn cà phê tái canh năm thứ 3 của mình.

Ông Lê Văn Hồng ở thôn 13 phấn khởi cho hay, sau 4 năm quyết định thay mới diện tích 1,2 ha cà phê già cỗi, thường xuyên bị bệnh, niên vụ vừa qua cà phê ông mới tái canh đã bắt đầu vào giai đoạn kinh doanh. Giống cà phê mới ông mua từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có nhiều ưu điểm vượt trội, ít bị sâu bệnh, tán nhiều, cho năng suất cao gấp đôi giống cà phê trước đây. Niên vụ vừa rồi gia đình ông thu hoạch được 5,5 tấn nhân/1,2ha.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ktur Lê Năng Mười, đa số nông dân trên địa bàn đều có nguồn thu chính từ cây cà phê. Tuy nhiên hiện có gần một nửa số diện tích cà phê được trồng cách đây trên 10 năm nên đã già cỗi, cần được tái canh vì năng suất và chất lượng đều giảm rõ rệt. Để phát triển cà phê bền vững, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với các ban ngành tổ chức hội thảo, tập huấn và thực hiện các mô hình về tái canh cây cà phê. Qua đó hướng dẫn cách phục hồi, cải tạo và giới thiệu các giống cà phê mới, cho năng suất, chất lượng cao như TR9, TR10, TR11, TR12, TR13... Bên cạnh đó, trong năm 2016 xã đã triển khai 3 mô hình về tái canh cây cà phê do Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện chuyển giao với 1.700 cây giống trồng trên diện tích 1,6 ha tại thôn 14, buôn Kniết.

Ông Mười cho biết thêm, thực hiện chủ trương tái canh, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năm nay xã Ea Ktur dự kiến sẽ tiếp tục trồng lại trên 250 ha cà phê. Hiện nay, nhiều hộ dân đã tiến hành nhổ gốc cà phê già cỗi, xử lý đất và chuẩn bị giống để trồng trong mùa mưa này. Cùng với những chính sách hỗ trợ từ Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) đang được triển khai trên địa bàn, nông dân xã Ea Ktur đang tích cực chủ động tái canh, đến nay phần lớn diện tích đã được tái canh trên địa bàn đều sử dụng các giống cây có xác nhận, phát triển tốt, cho năng suất cao.        

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.