Multimedia Đọc Báo in

Liên kết chuỗi trong sản xuất cà phê: Vẫn nặng tính tự phát

08:27, 10/05/2017

Mặc dù cà phê đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Đắk Lắk, nhưng ngành hàng cà phê đang tồn tại nhiều hạn chế là thiếu ổn định và bền vững. Một trong những yếu tố gây ra tình trạng trên chính là vấn đề liên kết chuỗi chưa đủ mạnh.

Chưa gắn kết chặt chẽ

Theo Sở NN-PTNT, cà phê ở Đắk Lắk được trồng ở 15 huyện, thị xã, thành phố, đến nay đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, có quy mô lớn như huyện Cư M’gar 35.846 ha, Ea H’leo 30.798 ha, Krông Năng 24.327 ha…Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích cà phê của tỉnh tương đối ổn định ở mức trên 200.000 ha, sản lượng trên 400.000 tấn/năm, năng suất cà phê nhân trung bình 23,5 tạ/ha. Hình thức sản xuất cà phê hiện nay chủ yếu là sản xuất nông hộ, gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng và quản lý, chỉ có khoảng trên 10% diện tích sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh do các công ty, doanh nghiệp (DN) quản lý. Trong thời gian qua, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm bước đầu đã hình thành, đáng chú ý là từ Đề án phát triển cà phê bền vững, các hộ nông dân đã liên kết thành lập HTX sản xuất cà phê bền vững và đang từng bước phát triển ổn định. Hiện nay, có trên 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực ngành hàng cà phê đã đẩy mạnh liên kết với các DN để sản xuất cà phê có chứng nhận, qua đó giúp các hộ thành viên nâng cao kỹ thuật chăm sóc, quản lý chất lượng, đồng thời hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình canh tác bền vững với các chứng nhận chất lượng quốc tế như: 4C, UTZ Certifed, RFA, Fairtrade cũng được nhiều DN thu mua liên kết với nông dân, các liên minh sản xuất cà phê thực hiện. Đến nay, cà phê có chứng nhận chiếm khoảng trên 30% diện tích toàn tỉnh, điều này đã giúp tăng cường liên kết chuỗi trong ngành hàng, góp phần giảm thiểu rủi ro và gia tăng giá trị cho sản phẩm…

Công nhân Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc) thu hoạch cà phê.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc) thu hoạch cà phê.

Mặc dù vậy, trên thực tế liên kết chuỗi giá trị sản phẩm vẫn còn mang nặng tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và chế biến thô, chưa đáp ứng được yêu cầu của một ngành hàng hiện đại. Đặc biệt, sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường còn rất lỏng lẻo nên chưa tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu và giá trị tăng cao. Trong khi đó, nhiều HTX, tổ hợp tác chưa đủ năng lực, chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc hỗ trợ các thành viên và trở thành đầu mối cho liên kết DN với hộ sản xuất. Mặt khác, DN trong nước chưa liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ để làm chủ thị trường, còn bị DN nước ngoài chèn ép, chiếm lĩnh thị trường, thương hiệu.

Cần có giải pháp tổng thể

Theo Hiêp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu, giá trị gia tăng sản phẩm chủ yếu tập trung ở khâu sản xuất chiếm 94,75%, khâu chế biến nhân chỉ chiếm 3,94% và khâu thu gom (đại lý) chiếm 1,31%. Mặc dù giá trị gia tăng ở khâu sản xuất cao, song lợi nhuận của người nông dân thu được đối với 1 ha (với năng suất 3 tấn) chỉ gần 40 triệu đồng. Với quy mô hộ trồng cà phê ở mức 0,5-1 ha thì mức thu này vẫn thấp. Đây chính là rào cản trong việc xây dựng một vùng sản xuất đồng đều, kiểm soát được về chất lượng… nhưng nó lại trở thành yêu cầu bức thiết phải xây dựng mối liên kết giữa nông dân với DN trong quá trình sản xuất, tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, để tăng thu nhập, người trồng cà phê cần liên kết sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, tưới nước tiết kiệm và bón phân hợp lý để cải thiện năng suất, hạ giá thành…

Chế biến  cà phê ướt  tại Công ty TNHH MTV  Cà phê  Thắng Lợi (huyện  Krông Pắc).   Ảnh: N. Xuân
Chế biến cà phê ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc). Ảnh: N. Xuân

Để thúc đẩy và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị, Sở NN-PTNT cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ thành lập HTX, tổ hợp tác và các liên minh sản xuất cà phê bền vững làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân, hình thành chuỗi liên kết trong ngành cà phê, phát triển sản xuất cà phê theo mô hình cánh đồng lớn; khuyến khích người trồng cà phê tham gia vào các HTX, tổ hợp tác, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, thuận lợi cho đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ; khuyến khích các DN thu mua và chế biến tham gia liên kết với các tổ chức nông dân trồng cà phê. Hỗ trợ các hoạt động liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản xuất kết nối với các tác nhân trong ngành hàng; nâng cao năng lực tài chính cho các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất cà phê thông qua thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng cho các đối tượng là hộ sản xuất, HTX; DN thu mua, chế biến và sản xuất…            

Theo phân tích của các chuyên gia, xây dựng thương hiệu là giải pháp tổ chức chuỗi giá trị, đây cũng chính là công cụ tổ chức liên kết cho ngành hàng cà phê, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất và DN. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi nhiều giải pháp bao gồm cả định hướng, chính sách và sự nỗ lực của các tác nhân trong ngành hành và các cơ quan quản lý.

 

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.