Lời giải nào cho chăn nuôi heo trong thời kỳ rớt giá? (Kỳ 1)
Sau nhiều năm giá heo hơi luôn giữ ở mức ổn định, chăn nuôi heo trở thành một nghề có thu nhập cao, chính vì vậy, quy mô, lượng đàn liên tục tăng lên. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo liên tục giảm sâu khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Trong khi đó, giá bán thịt heo ngoài chợ, các cửa hàng vẫn cao ngất ngưởng…
Kỳ 1: Heo xuống giá: nông hộ lao đao
Theo các hộ chăn nuôi, trong vòng 10 năm trở lại đây chưa có khi nào giá heo lại giảm sâu như hiện nay. Điều này đã đẩy các hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng lỗ nặng, phải nuôi cầm chừng để duy trì đàn, thậm chí có nhiều hộ bán luôn cả con giống, bỏ trống chuồng…
Hộ chăn nuôi bỏ chuồng
Giá heo hơi bán ra tại nông hộ ở nhiều địa phương trong tỉnh hiện đã “chạm đáy” ở mức 23.000-24.000 đồng/kg. Giá giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2016 và bắt đầu giảm sâu từ hơn một tháng trở lại đây. Chị Nguyễn Thị Tâm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho hay, hơn 1 tháng trước Tết âm lịch 2017, giá heo hơi từ 48.000 đồng/kg đã hạ xuống 35.000 đồng/kg, thậm chí, thời điểm giáp Tết, giá chỉ còn 27.000 đồng/kg. Thế nhưng, chẳng ai ngờ, kể từ tháng 4-2017, giá rớt không có điểm dừng khiến 50 con heo mới xuất chuồng của chị đã lỗ hơn 60 triệu đồng. Tương tự, ông Dương Quang Sơn, thôn 5, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) chán nản cho biết, gia đình mới xuất bán 20 con heo thịt với giá 24.000 đồng/kg hơi, lỗ khoảng 1,5 triệu đồng/con. Hiện tại gia đình vẫn còn 80 con heo thịt chưa xuất bán được, bây giờ chỉ nuôi cầm chừng, cho ăn ngày 2 bữa (thay vì trước kia là 3-4 bữa) vì không còn vốn để đầu tư. Gia đình vẫn còn nợ ngân hàng 100 triệu đồng, với giá heo như vậy không biết lấy tiền đâu mà trả.
Chăn nuôi heo quy mô nông hộ ở huyện Cư M’gar. |
Giá heo chạm đáy khiến nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng, dẫn đến bỏ trống chuồng, bán tài sản để trả nợ ngân hàng, thanh toán tiền thức ăn cho đại lý cám. Với những gia đình có heo chưa xuất chuồng thì đang cho ăn cầm chừng, chờ tăng giá hoặc có không ít gia đình chọn giải pháp tự giết mổ heo bán tại nhà. Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, trong quý I-2017, toàn huyện có 48.000 con heo, chủ yếu là chăn nuôi trang trại, quy mô nông hộ hầu hết phải đóng chuồng vì giá xuống quá thấp lại bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, nhóm trang trại tự phát và gia trại không những chịu chung cảnh ngộ lao đao như nông hộ mà còn chịu áp lực rất lớn trong việc duy trì đàn heo do họ đã bỏ vốn vào đầu tư trang trại lớn, nuôi theo hình thức các lứa nối tiếp nhau nên khó có thể ngừng nuôi trong thời gian ngắn… Theo thống kê sơ bộ, tại thời điểm tháng 3-2017, có khoảng 8.000 con heo trên 6 tháng nuôi bị ứ đọng tại các trang trại. Tuy nhiên, đến nay số lượng này cơ bản đã xuất hết (chủ yếu ở các trang trại gia công). Hiện số trang trại còn heo có thời gian nuôi gần đến thời điểm xuất chuồng (4-5 tháng) là 13/35 trang trại, với khoảng 11.000 con.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tổng giá trị từ ngành chăn nuôi hiện chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh với tổng đàn gia súc trên 1,1 triệu con, trong đó, đàn heo lên đến gần 900.000 con, phần lớn được nuôi rải rác trong các hộ dân. Việc chăn nuôi tự phát, không theo quy hoạch đang đẩy ngành chăn nuôi vào bế tắc khi đầu ra không ổn định. |
Bộ NN-PTNT lý giải, heo giảm giá sâu là do nguồn cung lớn hơn cầu, cùng với khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, tạo nên khủng hoảng thừa và bế tắc đầu ra.
Tìm lối thoát cho nông dân
Theo dự báo, trong những tháng tới tình hình chăn nuôi sẽ còn khó khăn hơn khi thị trường tiêu thụ ở nước ngoài vẫn chưa được khơi thông. Theo Bộ NN-PTNT, để kịp thời hỗ trợ cho nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, vấn đề quan trọng trước mắt hiện nay là hỗ trợ tín dụng; giảm giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và gia tăng sức mua sản phẩm từ heo. Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung vào các giải pháp: hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể; tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi để bà con vượt qua khó khăn trước mắt; tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất và sản xuất các sản phẩm thành phẩm, dự trữ thịt heo, góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi… Trên tinh thần đó, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu các địa phương chỉ đạo, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, hạn chế mở rộng quy mô một cách tự phát, phát triển các giống cao sản, đặc sản phục vụ các loại hình chăn nuôi heo theo phân khúc thị trường khác nhau; khuyến khích đa dạng hóa chế biến sản phẩm từ chăn nuôi để nâng cao giá trị các sản phẩm chế biến phục vụ tiêu dùng…
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại chợ đầu mối Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột. |
Với những nỗ lực trên, hiện nay chi phí đầu vào của chăn nuôi heo đã giảm đáng kể, thức ăn cho heo giảm bình quân 200 đồng/kg; lãi suất tín dụng ở một số ngân hàng cũng giảm và tiếp tục cho vay mới; giá heo hơi đang có dấu hiệu tăng… Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi heo còn rất nhiều khó khăn, bất cập và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
Minh Thuận - Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc