Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho chợ truyền thống? (Kỳ 2)

07:38, 08/05/2017

Kỳ 2: Nâng cao sức cạnh tranh của chợ truyền thống

Trước sức ép của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn thì việc làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống đang là câu hỏi đặt ra hiện nay.

Tồn tại nhiều bất cập

Tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, nhiều tiểu thương cho rằng, dù họ đã nỗ lực lựa chọn hàng hóa phù hợp với thị hiếu, giá tiền người tiêu dùng, sắp xếp quầy hàng của mình đẹp mắt, tiện lợi, thái độ mời chào cũng nhẹ nhàng hơn, không còn tình trạng “hét giá”, “nói thách”… nhưng lượng khách đến chợ vẫn khá èo uột. Điều này có nhiều lý do, thứ nhất, chợ khó có thể cạnh tranh với các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn được thực hiện khá thường xuyên tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Quan trọng hơn, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, điều này chợ khó cạnh tranh được với các siêu thị. Tại hầu hết các chợ nông thôn trong tỉnh, nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá thay vì được đựng trong các tủ kín, ở nhiệt độ phù hợp như siêu thị thì tại đây, tiểu thương đặt thịt trực tiếp trên mặt bàn để bán và không được che chắn cẩn thận để tránh ruồi, nhặng. Bên cạnh đó, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bày bán tại chợ hầu như không được kiểm soát chặt chẽ.

Thêm vào đó, có không ít chợ rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, các hạng mục công trình không bảo đảm theo tiêu chuẩn đề ra. Dễ thấy, tại các khu chợ như chợ 19-8, Ea Hu 1 (huyện Cư Kuin), chợ Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ)… nhiều quầy bày bán thực phẩm khá nhếch nhác, bám bụi vì không được thường xuyên lau chùi, lối đi ứ đọng nước. Đó là chưa kể, theo quy định, quầy bán thực phẩm tươi sống phải được cách ly với thực phẩm chín nhưng tiểu thương vẫn bán thịt sống và thịt chín lẫn lộn.

Khu bày bán thực phẩm tươi sống tại chợ Ea Tul (huyện Cư M’gar) xuống cấp, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khu bày bán thực phẩm tươi sống tại chợ Ea Tul (huyện Cư M’gar) xuống cấp, không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 148 chợ, gồm 39 chợ thành thị và 109 chợ nông thôn. Điều đáng nói là nhiều chợ được xây dựng đã lâu nay hạ tầng xuống cấp, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường không được thực hiện đúng quy định, việc bố trí các quầy, sạp còn lộn xộn, không theo bất kỳ một quy hoạch nào và bất hợp lý, nhiều chợ chưa có khu vệ sinh, thoát nước thải, khu vực chứa rác…

Để chợ truyền thống vẫn còn sức hút…

Trước thực tế trên, làm thế nào để đưa các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng nông thôn thoát khỏi tình trạng xập xệ, xuống cấp và ô nhiễm như tình trạng hiện nay, nhất là hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá phù hợp là hết sức cần thiết. Theo Sở Công thương, để tìm cách phát huy tác dụng của chợ, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ khuyến khích từ nguồn vốn xã hội hóa và chuyển đổi mô hình chợ từ Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý. Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh có 8 chợ được đầu tư xây mới với tổng số tiền trên 300 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 5,5 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế 291 tỷ đồng.

 Trong kế hoạch quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Công thương phê duyệt, Đắk Lắk có 4 chợ sẽ xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp. Cụ thể, có 1 chợ được quy hoạch xây mới chợ đầu mối là chợ Tân Hòa, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột (giai đoạn 2015-2020); 1 chợ sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp là chợ Tân An, TP. Buôn Ma Thuột (giai đoạn 2021-2025); 2 chợ được quy hoạch xây mới thành chợ hạng I, gồm: chợ Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ, giai đoạn 2021-2025) và chợ Phước An (huyện Krông Pắc, giai đoạn 2021-2025). Mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải tạo, nâng cấp, mở rộng các chợ đầu mối và chợ hạng I hiện có đang hoạt động hiệu quả theo đúng các tiêu chí, đảm bảo phát huy đầy đủ công năng và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của chợ; xây dựng ở những nơi có nhu cầu cần thiết và đáp ứng tiêu chí quy hoạch, từng bước phát triển chợ đầu mối phù hợp với chu trình vận động lưu thông hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, trong nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống, Sở cũng đang rà soát lại hoạt động của các chợ trên địa bàn để có hướng hỗ trợ kịp thời, kêu gọi các doanh nghiệp bán lẻ có chính sách ưu đãi ở kênh phân phối chợ, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Riêng về vần đề đáng quan tâm nhất là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ thì tỉnh cũng đã phê duyệt dự án và chọn chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) để xây dựng "Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP" giai đoạn 2014-2020. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn dễ dàng tiếp cận với các loại thực phẩm bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh, có nguồn  gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện, dự án đang được xem xét lựa chọn nhà đầu tư để triển khai, sau đó sẽ nhân rộng mô hình này tại các huyện, phấn đấu đến 2020, 100% chợ trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh đạt chợ bảo đảm vệ sinh ATTP.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.