Nông dân "găm" tiêu chờ tăng giá
Giá tiêu trên thị trường hiện nay còn khoảng 82.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Do giá tiêu giảm nhanh đột ngột nên nhiều hộ trồng tiêu chọn giải pháp giữ tiêu chờ giá lên.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu trong nước bắt đầu có xu hướng sụt giảm vào năm 2016 khi diện tích trồng hồ tiêu tăng cao. Giữa tháng 3-2016 giá tiêu đen xô giảm xuống còn 130.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 180.000 đồng/kg vào tháng 5. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến cuối năm 2016, giá hồ tiêu luôn có xu hướng giảm và có dấu hiệu khó phục hồi. Đến đầu năm 2017, giá tiêu ở mức 128.000 – 135.000 đồng/kg và giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg từ tháng 4-2017. Từ giữa tháng 5 đến nay, giá tiếp tục sụt giảm mạnh, dao động từ 79.000 – 82.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm tới 50%. Đây là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân hồ tiêu rớt giá là do giới kinh doanh hồ tiêu thế giới nhận định niên vụ 2016 – 2017 sản lượng tiêu của Việt Nam tăng cao, điều này đã tác động đến tâm lý người mua, dẫn đến việc hạn chế mua vào để ép giá.
Anh Đào Xuân Thương ở thôn 10 (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) giữ tiêu lại trong kho chờ lên giá. |
Xã Ea Ning là địa phương có diện tích tiêu đứng đầu huyện Cư Kuin với khoảng 1.200 ha, trong đó có khoảng 800 ha đang kinh doanh, số còn lại đang giai đoạn kiến thiết. Khác hẳn với những năm trước, sau vụ thu hoạch tiêu nông dân vui mừng vì được giá thì năm nay không khí khá ảm đảm. Anh Nguyễn Chính Ninh, trú tại thôn 11 cho biết, gia đình có 8 sào tiêu, năm nay thu hoạch được 6 tấn. Nếu giữ giá như năm ngoái, trừ chi phí gia đình cũng còn dư một khoản tiền kha khá. Tuy nhiên với giá tiêu như hiện nay nếu bán ra thì lãi chẳng đáng bao nhiêu nên gia đình quyết định cất giữ trong kho chờ giá lên mới bán.
Tương tự gia đình anh Đào Xuân Thương, ở thôn 10 năm nay thu được 4 tấn tiêu nhưng vẫn để trong kho, chưa xuất bán. “Trước mắt thì cố xoay xở tiền để đầu tư chăm sóc vườn tiêu, chờ thời gian tới nếu giá tăng lên thì bán, chứ giữ tiêu trong kho lâu ngày sẽ bị mốc, hao hụt rất nhiều. Cũng không biết thời gian tới giá lên hay xuống, hiện tại thấy giá thấp so với mọi năm nếu bán ra thì tiếc nên cứ giữ lại. Chờ thêm một thời gian nữa nếu giá không lên cũng phải bán để có kinh phí đầu tư vào sản xuất và trang trải cuộc sống”, anh Thương chia sẻ.
Hồ tiêu lâu nay là cây trồng chủ lực góp phần thay đổi đời sống của bà con nông dân, nên dù giá tiêu đang xuống thấp, một số người dân vẫn tiếp tục xuống giống trồng mới với hy vọng giá sẽ nhích lên lại trong thời gian tới. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning cho hay, thời gian qua địa phương đã tuyên truyền người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu vì sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng và đối mặt với những rủi ro về dịch bệnh, rớt giá. Tuy nhiên, trước lợi nhuận mà cây tiêu mang lại người dân vẫn tiếp tục trồng.
Không riêng xã Ea Ning, trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích hồ tiêu đã tăng “chóng mặt” trong những năm qua. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ phát triển khoảng 18.700 ha tiêu, nhưng đến nay đã phát triển lên đến 27.000 ha.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc