Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Bao giờ thành hiện thực? (Kỳ 2)

08:30, 10/05/2017

Kỳ 2: Đề án vẫn nằm trên giấy

Với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao (CNC), đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm ít nhất 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 kỳ vọng sẽ tạo được những bứt phá cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Thế nhưng việc cụ thể hóa các nội dung trong dự án đến nay vẫn chưa thực hiện được…

Kỳ vọng cao

Vào cuối năm 2013, Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt để tiến tới hình thành các khu nông nghiệp CNC làm hạt nhân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của đề án là trong giai đoạn 2014-2015, từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng CNC, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả (bơ), rau an toàn, lúa giống, ngô lai, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10 - 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để nâng cấp Trung tâm Giống cây trồng Vật nuôi của tỉnh thành khu nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động; chuẩn bị đầy đủ mô hình tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ quản lý và điều hành các hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng CNC đạt hiệu quả; khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNC đầu tư vào các lĩnh vực trồng, chế biến cà phê, sản xuất ngô lai F1, lúa lai F1, vùng nuôi cá lồng bè, trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hình thành vùng sản xuất cà phê an toàn. Giai đoạn 2016-2020, hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng CNC, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng CNC trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm ít nhất 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh…

Vườn tiêu được  áp dụng công nghệ tưới  tiết kiệm ở huyện Cư Kuin.
Vườn tiêu được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm ở huyện Cư Kuin.

Kết quả… thấp

Kỳ vọng là vậy nhưng theo Sở NN-PTNT, từ khi đề án được phê duyệt đến nay, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nhà đầu tư có tiềm lực hỗ trợ, giải quyết vấn đề liên kết trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC; còn lúng túng trong việc lựa chọn, kế thừa các thành tựu khoa học CNC ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp... Đặc biệt, tỉnh vẫn chưa có một bộ phận chuyên trách để chỉ đạo phát triển nông nghiệp CNC một cách bài bản nên đề án vẫn nằm trên giấy, còn người dân thì vẫn làm theo cách của họ. Chính vì vậy, đến nay Đắk Lắk vẫn chưa có các quy hoạch chiến lược cho nông nghiệp CNC; một số lĩnh vực cần được tập trung như ứng dụng CNC, công nghệ sinh học (tế bào, vi sinh...), công nghệ nano ... chưa được chú trọng ưu tiên; quy mô, phạm vi nhân rộng còn nhỏ bé, chưa có sự đầu tư kinh phí và các nguồn lực thoả đáng. Ngoài ra, sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoạt động khoa học – công nghệ trong, ngoài tỉnh về ứng dụng, chuyển giao chưa chặt chẽ; mối quan hệ giữa nhà khoa học - nhà quản lý - nhà nông - doanh nghiệp chưa được giải quyết đầy đủ, thấu đáo…

 

“Về nông nghiệp CNC, Đắk Lắk không bắt đầu từ con số không, trên thực tế nhân dân trong tỉnh đã làm nhiều lắm rồi nhưng chúng ta không rà soát, đánh giá được nên không hình dung những gì đang xảy ra và đang ở cấp độ nào. Do vậy, cần phải có con người cụ thể làm công việc chuyên trách làm cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp (DN) trong việc tư vấn về chính sách, tạo điều kiện cho các DN về thủ tục hành chính, thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC… để đưa đề án đi vào thực tế.” 

 
 
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản.

Trong khi đó, ở các địa phương, việc phát triển nông nghiệp CNC cũng chỉ mới ở dạng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chưa có một lộ trình phát triển cụ thể. Đơn cử như huyện Cư Kuin, mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, song qui mô sản xuất nông hộ còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn… Bên cạnh đó, có những mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ rất thành công nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn vốn. Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, mặc dù trong định hướng phát triển nông nghiệp có quan tâm đến việc tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình rõ rệt nào về nông nghiệp ứng dụng CNC để địa phương học tập. Huyện đã cử người đi tham quan, học tập các tỉnh bạn để thời gian tới sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.

Minh Thuận - Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.