Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư: Triển vọng từ những dự án năng lượng tái tạo

08:27, 05/05/2017

Những năm qua, với việc hoàn thiện quy hoạch và ban hành nhiều chính sách, cơ chế mở, tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với kỳ vọng khai thác hiệu quả tiềm năng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.

Khi nhà máy điện gió đầu tiên được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh là Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo của Công ty TNHH giải pháp năng lượng gió – HBRE (TP. Hồ Chí Minh) được khởi công tháng 3-2015, đã mở ra một hướng đi tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Với tổng công suất 120 MW, trong đó, giai đoạn 1 công suất 28 MW, tổng mức đầu tư gần 1.370 tỷ đồng, sản lượng điện dự án (DA) này sau khi đi vào vận hành khai thác đạt hơn 97.200 kWh/năm. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, đây sẽ là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất cả nước. Cũng từ năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp (DN) đã lắp đặt các cột đo gió để thu thập các thông số về gió, làm cơ sở triển khai lập DA đầu tư như: Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kinh doanh đô thị (Hà Nội) nghiên cứu khảo sát tại xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo trên diện tích 26.559 ha; Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình (tỉnh Bình Thuận) nghiên cứu khảo sát tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) trên diện tích 1.920 ha; Công ty TNHH Văn Thanh (tỉnh Đồng Nai) nghiên cứu khảo sát tại xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) trên diện tích 4.500 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc nghị và lãnh đạo các sở, ngành thị sát khu vực triển khai dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo.  Ảnh: M. Thông
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc nghị và lãnh đạo các sở, ngành thị sát khu vực triển khai dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo. Ảnh: M. Thông

Mới đây, Công ty Egeres Enerji (Thổ Nhĩ Kỳ) được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, tìm hiểu tiềm năng phát triển điện gió để đầu tư phát triển điện gió gió tại tỉnh. Được biết, DN này dự kiến lắp đặt cột đo gió, thu thập số liệu về lượng gió tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng và Krông Búk. Khu vực này nằm trong 7 vùng có tiềm năng điện gió trong Đề án Quy hoạch điện gió tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và đại diện nhà đầu tư Hàn Quốc ký và trao biên bản ghi nhớ về dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và đại diện nhà đầu tư Hàn Quốc ký và trao biên bản ghi nhớ về dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 4 được tổ chức vào ngày 11-3-2017 ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh ta có 4 DA về phát triển năng lượng mặt trời được trao chứng nhận đầu tư, với tổng vốn cam kết lên đến 76.750 tỷ đồng, chiếm trên 92% tổng nguồn vốn cam kết đầu tư vào tỉnh được thu hút trong dịp này. Qua đó cho thấy, tiềm năng này của tỉnh đang có sức hút đối với các dòng vốn đầu tư. Cụ thể: DA Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk tại xã Ya Lốp, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) với diện tích 4.192,5 ha, công suất 2.000 MW, tổng vốn đầu tư 52.985 tỷ đồng; DA điện mặt trời trên địa bàn huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) với diện tích 750 ha, công suất 300 MW - 500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 16.875 tỷ đồng; DA Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Long Thành Đắk Lắk, công suất 250 MW, diện tích 500 ha, tổng vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng; DA xây dựng nhà máy sản xuất tấm nổi dùng trong xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tấm nổi tại Đắk Lắk của nhà đầu tư SOLARPARK GLOBAL I&D (Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, diện tích 60.720 m2, công suất 900.000 bộ/năm, tổng vốn đầu tư 990 tỷ đồng. Việc triển khai các DA điện mặt trời sẽ khai thác tiềm năng của địa phương, tạo ra sản lượng điện lớn và thúc đẩy chuyển dịch công nghiệp năng lượng Đắk Lắk từ thủy điện sang năng lượng tái tạo, thúc đẩy tuyến du lịch vùng biên, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, thân thiện môi trường.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và thu hút đầu tư, vừa qua UBND tỉnh đã  thông qua danh mục 12 DA điện năng lượng mặt trời để đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025. Ngoài ra, Sở Công thương đang phối hợp các ngành để điều tra, thống kê nguồn năng lượng sinh khối dồi dào từ củi, trấu, bã mía, gỗ vụn, mùn cưa và các phụ phẩm nông nghiệp để khai thác nguồn năng lượng này.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc