Tiến độ thu hoạch mía chậm, nông dân huyện M'Đrắk lo lắng
Tính đến ngày 5-5, huyện M’Đrắk mới thu hoạch được 5.379/7.084 ha mía niên vụ 2016 – 2017, đạt 76%, trong khi cùng thời điểm này các năm trước, việc thu hoạch mía đã xong, đất đã cày xới sẵn sàng triển khai vụ mới. Tiến độ thu hoạch quá chậm khiến nông dân trồng mía lo lắng bởi có thể ảnh hưởng đến năng suất, trữ lượng đường và tiến độ giải phóng đất tái vụ theo kế hoạch.
Người dân huyện M'Đrắk đang khẩn trương thu hoạch mía. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn 3, xã Krông Á) có 1,5 ha mía giống Suphan Buri 7 năm thứ 4. Niên vụ trước, gia đình chị thu được 140 tấn mía, với giá bán 930.000 đồng/tấn (trữ lượng đường 10 CCS) mang lại thu nhập sau khi trừ chi phí là 50 triệu đồng. Năm nay, do công tác thu mua của các nhà máy gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu hoạch chậm nên mặc dù đã bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 3 nhưng đến cuối tháng 4, toàn bộ 1,5 ha mía của gia đình chị Mai mới được vận chuyển hết. Tiến độ thu mua chậm, mía chặt chất thành đống giữa trời nắng chói chang khiến mía bị nhẹ cân, giảm sản lượng và trữ lượng đường. Do vậy, với diện tích nói trên, gia đình chị Mai chỉ thu được 120 tấn mía với trữ đường 7 CCS, giá bán 700-800.000 đồng/tấn, thu nhập chỉ còn 30 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Tiến độ thu hoạch chậm khiến việc làm đất để xuống giống niên vụ mới chậm theo.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết khô nóng, người trồng mía cần chú ý vệ sinh ruộng mía sau thu hoạch, kiểm tra thường xuyên và chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn trường hợp cháy mía có thể xảy ra. |
Xã Krông Á một trong những địa phương có diện tích mía nguyên liệu trọng điểm của huyện M’Đrắk, cung cấp cho các nhà máy mía đường Ninh Hòa (Khánh Hòa), Cư Jút (Đắk Nông), 333 (Đắk Lắk)... Niên vụ 2016 - 2017, xã Krông Á có 400 ha mía, giảm 34 ha so với niên vụ 2015 - 2016, chủ yếu tập trung ở các thôn 1, 2 và 3 với các giống mía chủ yếu là K94 và Suphanburi. Tuy nhiên, đến nay, toàn xã chỉ mới thu hoạch được hơn 170 ha, đạt 42,5% diện tích. Năng suất mía ước đạt bình quân 58 tấn/ha, với giá mía thu mua từ 800.000 - 900.000 đồng/tấn, người trồng mía có lãi bình quân từ 30-40 triệu đồng/ha mía.
Nguyên nhân việc thu hoạch chậm là do thời thiết cuối năm 2016 mưa kéo dài, nhiều tuyến đường lầy lội khiến xe vào vận chuyển mía gặp khó khăn. Bên cạnh đó, bước sang năm 2017, vùng nguyên liệu tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) khá dồi dào nên các nhà máy đường chậm thu mua tại các khu vực xa; trong khi đó, nhiều hộ dân trồng mía trên địa bàn xã không ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với nhà máy cũng khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Ông Nguyễn Công Cường, Chủ tịch UBND xã Krông Á, cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía niên vụ 2016- 2017, UBND xã đã tích cực làm việc với các đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu phối hợp với nông dân tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện, lịch thu hoạch để nhân dân kịp thời thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm”.
Thu hoạch mía tại thôn 2, xã Ea Pil (huyện M'Đrắk) |
Ngoài xã Krông Á, tại huyện M’Đrắk còn có các địa phương có diện tích mía lớn như: Ea Pil với 2.450 ha, Cư Prao 1.900 ha, Krông Jing 300 ha... Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang tranh thủ thời tiết nắng ráo tập trung thu hoạch diện tích mía còn lại, trong đó ưu tiên thu hoạch những diện tích mía trà sớm nhằm tránh tình trạng mía trổ cờ hàng loạt làm giảm trữ lượng đường và bảo đảm tiến độ triển khai vụ mía mới.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc