Multimedia Đọc Báo in

Tìm đường xuất ngoại cho quả bơ Đắk Lắk

09:30, 22/05/2017

Là một trong những loại trái cây chủ lực có giá trị kinh tế cao, những năm qua việc phát triển cây bơ theo chuỗi giá trị đã được chú trọng nhưng trên thương trường quả bơ vẫn chưa thể hội nhập.

Vướng trên đường hội nhập

Bơ là loại quả giàu dinh dưỡng, có giá trị xuất khẩu, có khả năng chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như kẹo bơ, kem bơ, nước sốt, tinh dầu... hay đơn giản chỉ là trái cây tươi ăn liền. Bản thân cây bơ dễ trồng, dễ chăm sóc, đem lại thu nhập cao và có thế mạnh phát triển trong cơ cấu đa dạng hóa cây trồng tại Đắk Lắk.

Theo số liệu của Cục Thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 2.500 ha bơ, trong đó 570 ha trồng mới, 1.770 ha cho sản phẩm tập trung tại huyện Krông Năng (526 ha), Krông Búk (463 ha), Krông Pắc (412 ha), thị xã Buôn Hồ (313 ha), TP. Buôn Ma Thuột (237 ha)...  Năng suất bơ bình quân hằng năm đạt hơn 19 tấn/ha, sản lượng ước đạt 33.673 tấn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường trong nước do sản lượng bơ tập trung chủ yếu vào chính vụ tháng 6, 7. Thời điểm chính vụ bơ giá rẻ, chín rất nhiều, nhiều vườn nông dân không kịp thu hoạch rụng đầy gốc, trong khi đó, càng về cuối vụ, giá càng tăng, nhưng sản lượng bơ lại thấp không đủ cung ứng cho thị trường trong nước nên hiệu quả kinh tế quả bơ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Thu Nhơn cho biết, quả bơ Đắk Lắk đã có thương hiệu Dakado đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị tại Việt Nam như Co.opmart, Metro, Vinmart, AEON (Nhật Bản)... Tuy nhiên, chất lượng bơ không đồng đều nên khi đóng gói, xuất bán ra thị trường công nhân phải tuyển lựa kỹ khiến khâu sơ chế kéo dài. Trong khi bản thân quả bơ giàu dinh dưỡng, vỏ mềm, khả năng chịu va đập trong quá trình vận chuyển kém nên từ khi thu hoạch tại vườn đến tay người tiêu dùng, đơn vị chỉ bảo đảm chất lượng trong khoảng 2 tuần mà thôi. Do đó, con đường xuất khẩu chỉ bó hẹp trong đường tiểu ngạch hoặc số lượng nhỏ mang tính chất giới thiệu mà doanh nghiệp không dám ký hợp đồng lớn. Đây chính là trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bơ Việt Nam chưa có cách tháo gỡ.

Một vườn ươm cây bơ giống tại TP. Buôn Ma Thuột.
Một vườn ươm cây bơ giống tại TP. Buôn Ma Thuột.

Cơ hội mới để phát triển

Với mục đích tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, cuối tháng 4 vừa qua UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp Israel (ORCA Group, Mor International) đến tìm hiểu và trao đổi hợp tác về lĩnh vực xuất khẩu quả bơ Đắk Lắk. Ông Eran Nadler, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mor International cho biết, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Israel không thuận lợi cho cây bơ sinh trưởng và phát triển nên đa số nông sản chỉ thu hoạch được 1 mùa, vì vậy đơn vị thường liên kết với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác để tìm nguồn hàng phục vụ bán lẻ cho khách hàng quốc tế suốt 52 tuần trong năm.

Theo đó, toàn bộ mặt hàng nông sản có chất lượng tương đối ổn định trên toàn hệ thống và từ vườn đến tay người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Ước tính, năm 2004, tập đoàn này cung cấp 180.000 tấn bơ cho các nước Châu Âu, năm 2006 tăng lên 230.000 tấn, năm 2017 đạt khoảng 460.000 tấn với các giống bơ Hass, Greens. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất các nông sản có chất lượng cao đang được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng, đặc biệt là quả bơ. Chuyến đi này ông mong muốn tìm được các đối tác tin cậy để hợp tác xây dựng nguồn nguyên liệu bổ sung vào nguồn hàng đang thiếu hụt trong chuỗi tiêu thụ toàn cầu trong năm 2017.

Trong quá trình hợp tác, đơn vị sẽ hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật canh tác, bảo quản, đóng gói, vận chuyển sản phẩm cho doanh nghiệp Đắk Lắk để nâng cao giá trị nông sản, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp nói chung và quả bơ nói riêng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tập đoàn mong muốn nguồn cung quả bơ tăng vừa phải, lâu dài; tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm mô phạm; sản phẩm đã chế biến hoặc sẵn sàng để ăn khi đến tay người tiêu dùng...

Nông dân xã Ea Kpam huyện Cư M’gar thu hoạch bơ booth.
Nông dân xã Ea Kpam huyện Cư M’gar thu hoạch bơ booth.

Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp đến từ quốc gia có nhiều thành tựu làm thay đổi nền nông nghiệp thế giới - Israel với những chiến lược, công nghệ hiện đại, bền vững đã mở ra kỳ vọng lớn cho cây bơ nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung. Trong tương lai gần, nông nghiệp sẽ tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thúc đẩy nhanh tiến trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn ngành.   

ORCA và Mor International là các tập đoàn công ty tư nhân (hoạt động từ năm 1998) chuyên trồng trọt, đóng gói và xuất khẩu nông sản tươi có chất lượng quốc tế: ISO 9000, BRC, GlobalGAP… Nguồn nguyên liệu chủ yếu được lấy từ các nước Israel, Nam Phi, Peru và Thái Lan cung cấp vào chuỗi 22 siêu thị trong top 30 tại Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á.


Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.