Multimedia Đọc Báo in

An toàn hồ đập thủy lợi trong mùa mưa lũ: Còn nhiều nỗi lo

18:14, 10/06/2017

Đắk Lắk là tỉnh có nhiều hồ chứa, được xây dựng trong nhiều thời kỳ, do nhiều đơn vị quản lý. Đến nay, sau thời gian sử dụng, khai thác, nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão; số công trình bị hư hỏng cần sửa chữa ngày càng tăng thêm.

Nhiều công trình xuống cấp

Đắk Lắk hiện có 600 hồ chứa thủy lợi và 115 đập dâng, trong đó có khoảng 100 hồ, đập có nguy cơ mất an toàn. Đơn cử như hồ Dang Kang thượng (xã Dang Kang, huyện Krông Bông), tường tràn phía trái bị sập hiện đã gia cố bằng tường rọ đá tạm thời (năm 2015), đáy tràn có nhiều lỗ thủng, cầu qua tràn sắp bị sập, gia cố tạm bằng các thanh giằng thép; hồ Buôn Ya Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) mái đập đất bị sạt lở thẳng đứng sát đỉnh đập, tràn xây bằng đá hộc đã xuống cấp nghiêm trọng; hồ Cư Pơng (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) thân đập bị lún và thấm rất mạnh; hồ Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) mái thượng lưu đập đất bị xói lở hàm ếch, mái hạ lưu thấm nước, kênh dẫn thượng lưu tràn bồi lắng xấp xỉ ngưỡng tràn, dốc nước bị nứt vỡ, tường bể tiêu năng sập hoàn toàn, mái đất bể tiêu năng bị sạt lở; hồ Phú Xuân 1 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hiện mái thượng lưu đã bị biến dạng, đập bị thấm vừa, và không có tràn…

Sự cố sập tường cánh tràn xả lũ ở hồ Dang Kang thượng (huyện Krông Bông) năm 2015.
Sự cố sập tường cánh tràn xả lũ ở hồ Dang Kang thượng (huyện Krông Bông) năm 2015.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh, hiện công ty được giao quản lý 307 công trình, trong đó có 235 hồ chứa, 62 đập dâng, 10 trạm bơm điện. Sau 2 năm được giao quản lý, từ chỗ rất nhiều công trình bị xuống cấp, nay công ty đã cơ bản sửa chữa hoàn thiện các hư hỏng nói trên. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn chỉ đủ để duy tu bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ nên vẫn có một số công trình cần phải được đầu tư nâng cấp: như hiện tượng thấm ở mái đập, xói đuôi tràn do chưa được kiên cố... Điều đáng báo động là việc lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình hiện xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, hạ lưu đập đất ở một số hồ bị nhân dân đào ao nuôi cá sát chân đập, một số hồ chứa người dân trồng cây lấy gỗ lên mái đập, làm nhà trong lòng hồ, trên đỉnh đập … Chính sự xâm hại này đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cho công trình, đặc biệt là vào mùa mưa lũ khi mực nước trong hồ đang ở mức cao nhất, đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng của các công trình. Bên cạnh đó, nhiều công trình mái thượng chưa được gia cố nên bị sạt lở nghiêm trọng, xảy ra hiện tượng thấm qua thân đập; mặt đập kết hợp làm đường giao thông cũng không được gia cố khiến rất nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng lớn đến đi lại cũng như an toàn của công trình.

 

 Cán bộ  thủy lợi kiểm tra công trình Hồ Cư Pơng (huyện Krông Búk).
Cán bộ thủy lợi kiểm tra công trình Hồ Cư Pơng (huyện Krông Búk).

Để người dân vùng hạ du không còn lo lắng

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh cho biết, việc thực hiện Nghị định 72/2007/NĐ-CP, ngày 7-5-2007 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn do không đủ kinh phí thực hiện. Đơn cử như về về kiểm định an toàn đập, hiện nay trong số 262 hồ chứa lớn nhỏ các loại chưa có hồ chứa nào được kiểm định an toàn đập theo quy định. Việc tính toán dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành… cũng chưa thực hiện được do thiếu kinh phí. Đặc biệt, đối với 65 hồ có nguy cơ hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, trong đó có 7 công trình cần sửa chữa cấp bách trong năm 2017, công ty cũng đang tiến hành sửa chữa hồ Đội 36 (xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk) đoạn dốc nước phía sau bị sập hoàn toàn, vừa qua, công ty đã được cấp kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng, tuy nhiên kinh phí này không đủ để khắc phục, hiện đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng. Riêng đối với công trình hồ Phù Mỹ (huyện Ea H’leo), nhận thấy công trình không bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, năm 2016 công ty đã chủ động trích từ nguồn cấp bù thủy lợi phí để nạo vét kênh dẫn, cửa vào tràn và một số hư hỏng nhỏ phía tiêu năng của tràn xả lũ, tuy nhiên người dân khu vực công trình gây cản trở không cho thực hiện (nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác đền bù trước đó, khi công trình thuộc huyện quản lý). Trước tình hình trên, công ty đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, sau đó UBND huyện Ea H’leo đã phối hợp với Huyện đội và công ty vận động nhân dân để nạo vét kênh dẫn vào tràn, nhưng đến nay người dân vẫn không đồng tình; do đó công ty đề nghị Sở NN - PTNT tham mưu cho các cấp có thẩm quyền kịp thời có biện pháp khắc phục để công trình bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm 2017.

 

Do không đủ kinh phí nên Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh chưa thực hiện lập phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập. Vì vậy, vào mùa mưa lũ, để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, trước khi xả tràn công ty thực hiện biện pháp báo động, thông báo bằng văn bản hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến các xã, huyện vùng hạ du công trình, thời gian thông báo xả lũ tối thiểu trước 6 tiếng đồng hồ.

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.