Đất khó Buôn Đôn tìm hướng thoát nghèo từ cây chuối
3 xã phía Tây của huyện Buôn Đôn gồm Ea Wer, Ea Huar và Krông Na là khu vực có tầng đất thấp, nghèo dinh dưỡng và khả năng giữ nước kém, không thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày. Người dân vùng này chủ yếu trồng các loại cây ngô, đậu, sắn, nhưng thường xuyên bị thiếu nước, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Từ năm 2011, lãnh đạo địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tìm ra loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này. Huyện đã phân công cán bộ nông nghiệp tìm hiểu, tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng và nhận thấy chuối Nam Mỹ là loại cây mang lại lợi nhuận cao và có thể phát triển tốt tại 3 xã này. Từ đó, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện họp bàn với các phòng, ban chuyên môn và quyết định chọn chuối Nam Mỹ là cây thoát nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên vùng đất khó. Năm 2016, huyện Buôn Đôn thành lập Ban chỉ đạo trồng chuối xuất khẩu do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban; tổ trưởng tại các xã là Bí thư Đảng ủy. Tuy nhiên, phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số, đã quen với các loại cây trồng truyền thống, nên e dè trong việc trồng loại cây mới. Địa phương đã vận động và tổ chức cho bà con đến huyện Ea Súp tham quan các vườn chuối Nam Mỹ đã cho thu hoạch, phục vụ xuất khẩu, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí. Từ đó bà con mới tin và bắt đầu phong trào trồng chuối.
Vườn chuối Nam Mỹ chuẩn bị trổ buồng của hộ ông Nguyễn Đức Buông (buôn Ea Mar, xã Krông Na). |
Công ty Cổ phần đầu tư chuối Việt có 6.400 ha chuối Nam Mỹ tại huyện Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó, 200 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 35-40 kg/buồng. Thời gian tới, công ty có kế hoạch mở rộng thêm diện tích và xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông. |
Năm 2016, người dân các xã trồng thí điểm được 24 ha chuối trên những vùng đất trồng cây ngắn ngày hiệu quả thấp. Cùng với đó, huyện đã liên kết với Công ty Cổ phần đầu tư chuối Việt – một doanh nghiệp (DN) chuyên trồng và xuất khẩu chuối tại TP. Hồ Chí Minh để hình thành vùng chuyên canh chuối. DN này chi trả cho bà con 50% giá trị cây giống nuôi cấy mô, hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, địa phương hỗ trợ người dân 50% tiền giống và hệ thống tưới tiết kiệm, tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Buông, buôn Ea Mar, xã Krông Na là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi đất trồng bắp, đậu sang trồng chuối với diện tích 2 ha, cho biết, trồng chuối không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, công chăm sóc và yên tâm về thị trường tiêu thụ vì được DN ký hợp đồng bao tiêu, nếu DN không thu mua thì người dân được… phạt DN 100 triệu đồng/ha.
Hiện các vườn chuối của người dân đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và sắp bước vào thời kỳ trổ buồng. Trong năm nay, huyện sẽ phát triển thêm 50 ha chuối Nam Mỹ, theo đó, người dân đăng ký trồng sẽ được DN cho ứng trước giống đến khi thu hoạch mới trả. Theo kế hoạch đến năm 2018, địa phương sẽ mở rộng và ổn định vùng trồng chuối chất lượng cao với diện tích 200 ha.
Bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết: “Chỉ cần chuối đạt tiêu chuẩn trọng lượng 20 kg/buồng (bình quân thực tế 30-40 kg/buồng) và bán giá hợp đồng 5.000 đồng/kg thì người dân có lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi tin tưởng rằng, không lâu nữa cây chuối sẽ thay đổi diện mạo kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc