Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng: Nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ
Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng được khởi công xây dựng từ tháng 6-2010, với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, do khó khăn, vướng mắc trong hợp phần giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Công trình đầu mối hồ chứa này nằm trên địa bàn 2 xã: Cư Yang và Cư Bông (huyện Ea Kar), được chia làm 3 hợp phần: thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, định canh (do tỉnh Đắk Lắk thực hiện, kinh phí được Trung ương phân bổ trực tiếp); xây dựng công trình đầu mối và kênh dẫn tưới trên 1.500 ha (do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi (QLĐTXDTL ) 8 - Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư); kênh dẫn tưới dưới 1.500 ha do địa phương làm chủ đầu tư. Hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMT), di dân tái định cư của dự án được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011, với tổng mức đầu tư trên 949,5 tỷ đồng. Quy mô đầu tư là 2 khu tái định cư với tổng diện tích 991,4 ha, phục vụ tái định cư cho 771 hộ.
Tràn xả lũ hồ thủy lợi Ea Rớt. |
Theo báo cáo của UBND huyện Ea Kar, đến nay mặt bằng bàn giao cho Ban QLĐTXDTL 8 triển khai thực hiện thi công công trình gồm: đường quản lý kết hợp thi công hồ Krông Pách Thượng (từ thị trấn Ea Knốp đi xã Cư Yang); hồ chứa nước Ea Rớt (diện tích 280 ha); 60 ha triển khai xây dựng hệ thống kênh hồ chứa nước Ea Rớt trên địa bàn xã Cư Elang và Ea Ô; 130 ha khu vực cụm đầu mối hồ chứa thuộc địa bàn xã Cư Yang và Cư Bông. Đối với phần xây dựng khu tái định cư, đến nay đã cơ bản hoàn thành điểm tái định cư số 1, có thể bố trí cho 300 hộ và đang giải phóng mặt bằng thi công 120 ha đất lúa nước 2 vụ. Kế hoạch năm 2017 đối với hồ chứa nước Ea Rớt, giải phóng toàn bộ phần còn lại thuộc khu vực hệ thống kênh mương, 100 ha khu đất trồng cây hằng năm, 73 ha đất bị lấn chiếm (tại khu vực đất lúa nước 2 vụ) và diện tích phục vụ thi công đường 7 trục trong khu đất trông cây hằng năm. Với hồ chứa nước Krông Pách Thượng, giải phóng mặt bằng 180 ha của 63 hộ thuộc diện bố trí tái định cư ở thôn 15 xã Cư Yang (Ea Kar); 50 ha thuộc khu bãi vật liệu số 3 trên địa bàn Ea Kar; 50 ha khu vực lòng hồ; 45 ha thuộc hệ thống kênh chính Nam thuộc địa bàn xã Cư Bông và Ea Ô. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện cho công tác này khoảng 180 tỷ đồng.
Lòng hồ thủy lợi Ea Rớt. |
Tuy nhiên, qua khảo sát, trong phạm vi thực hiện dự án có 692 ha đất lâm nghiệp được UBND tỉnh giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý. Một phần diện tích trên đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng vào mục đích làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp. Một khó khăn nữa là, để triển khai dự án cần chuyển đổi 369,29 ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là khi phê duyệt dự án, chi phí đầu tư trồng rừng thay thế chưa có. Sau đó Bộ NN&PTNT có văn bản cho bổ sung vào hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo quy định, việc điều chỉnh, bổ sung dự án phải thẩm định nguồn vốn, đây lại là dự án sử dụng Trái phiếu Chính phủ, thẩm quyền thẩm định nguồn vốn thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên UBND tỉnh chưa thể bổ sung chi phí trồng rừng thay thế. Theo quy định tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải có phương án trồng rừng thay thế, hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Trong khi đó, dự án này vẫn chưa xây dựng được phương án trồng rừng thay thế do địa phương không còn quỹ đất để bố trí, mà việc bổ sung chi phí trồng rừng thay thế không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên công tác giải phóng mặt bằng khó lại chồng khó.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc