Du lịch Buôn Ma Thuộttrên hành trình định vị thương hiệu
Với mục tiêu đến năm 2020, du lịch Buôn Ma Thuột sẽ trở thành một trong những điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế; để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực đổi mới để thu hút đầu tư…
Phát huy thế mạnh từ đặc trưng vùng và văn hóa
Một trong những điểm nhấn đặc trưng của du lịch Buôn Ma Thuột là du lịch Homestay gắn với văn hóa của người Êđê, loại hình mà du khách, đặc biệt là khách quốc tế rất ưa thích, được địa phương xác định là hướng đi bền vững cho ngành du lịch. Theo Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, thành phố hiện có 33 buôn truyền thống, trong đó, nhiều buôn được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị về kiến trúc cảnh quan, văn hóa như các buôn Akô Dhông, Alê A, Alê B, Păn Lăm... Hiện thành phố đang ưu tiên, tập trung đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại 3 buôn: Akô Dhông, Tôur, K’mrơng Krông B với mục tiêu đây là những buôn điểm về du lịch văn hóa cộng đồng, là hướng đi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn văn hóa của người Êđê bản địa, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt để thu hút du khách. Có thể thấy, những tour Homestay giúp du khách tìm hiểu, khám phá cuộc sống của người bản địa là loại hình du lịch đang được nhiều địa phương trong nước xây dựng, khai thác hiệu quả.
Đại sứ Truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 Phùng Bảo Ngọc Vân tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất cà phê. |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, với lợi thế về vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột ngày càng có vai trò quan trọng trong hoạt động liên kết các địa phương trong vùng. Sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giao thông của Đắk Lắk với vai trò đầu mối giao thông toàn vùng Tây Nguyên, đặc biệt là việc mở rộng, nâng cấp Sân bay Buôn Ma Thuột thì vai trò “trung tâm du lịch” vùng Tây Nguyên ngày càng được khẳng định rõ nét. Đặc biệt, Buôn Ma Thuột là quê hương của cà phê, là yếu tố kết hợp hoàn hảo với các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc, hệ sinh thái đặc thù để tạo nên sự khác biệt trong các sản phẩm du lịch Buôn Ma Thuột so với các điểm đến khác ở Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn với sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa trên nền không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó “du lịch cà phê” được xem là “gạch nối” giữa 2 loại hình du lịch ưu tiên trên.”
Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái nông nghiệp
TP. Buôn Ma Thuột có hơn 47% dân số sống bằng nghề nông với những mô hình nông nghiệp tiêu biểu như: làng nai Cư Êbur; cà phê chồn Kiên Cường (phường Tân Tiến); bơ Trịnh Mười (Hòa Thắng); cá lăng Hòa Phú; làng hoa cây kiểng Hòa Phú; trang trại nhân giống hoa phong lan bằng công nghệ sinh học nuôi cấy mô (Hòa Khánh); các trang trại nấm dược liệu; mô hình vườn thanh long ruột đỏ (Cư Êbur)... Các mô hình nông nghiệp nói trên đã thu hút một lượng lớn khách đến tham quan hằng năm. Bên cạnh việc tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, du khách có thể mua các sản phẩm này về sử dụng và làm quà cho người thân. Đây là một trong những tiềm năng cần được đánh thức và có hướng đi phù hợp. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cho rằng, Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng để xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù đủ sức cạnh tranh với các vùng du lịch khác. Trong đó, du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững là một trong những thế mạnh của địa phương và là tiềm năng, mở ra những cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch tỉnh nhà. Tiêu biểu cho loại hình du lịch này là tham quan những trang trại cà phê, quy trình chăm sóc, chế biến cà phê; trang trại trồng cây ăn trái...
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột trong những ngày diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6. |
Từng bước hiện thực hóa điều này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các tour du lịch cà phê đã được xây dựng và được nhiều doanh nghiệp du lịch đưa vào khai thác, bước đầu mang lại hiệu quả. Đặc biệt, trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 với tên gọi “Hành trình di sản”, du lịch cà phê đã trở thành một lợi thế cạnh tranh và tạo sức hút nội tại mạnh mẽ để phát triển du lịch của địa phương. Từ các tour du lịch này, khách đến với Buôn Ma Thuột, ngoài việc thỏa mãn sự hiếu kỳ về nền văn hóa phi vật thể còn được khám phá, trải nghiệm tinh hoa của một vùng đất đã được chắt lọc bằng hương sắc cà phê.
Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, để giúp ngành kinh tế mũi nhọn này phát triển tương xứng với tiềm năng, chính quyền thành phố cũng đã đề ra các giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung đầu tư làm mới các sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển trên tiềm năng và thế mạnh của vùng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc