Multimedia Đọc Báo in

Mạng lưới khuyến công cơ sở: Cần, nhưng chưa có!

09:30, 28/06/2017

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hằng năm ngành khuyến công địa phương đã triển khai nhiều hoạt ddoonhj thiết thực, đem lại hiệu quả.

Trong đó đã tập trung phát triển các ngành nghề công nghiệp và làng nghề thủ công truyền thống trên cơ sở đào tạo, nâng cao tay nghề, đào tạo thợ giỏi; hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu, xúc tiến thương mại; xây dựng và triển khai các chương trình, đề án khuyến công sát với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ các DN, hợp tác xã, làng nghề và địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên cơ sở cải tiến kỹ thuật, tăng công suất, chất lượng sản phẩm.

Một cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: D. Tiến
Một cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: D. Tiến

Tuy nhiên, một trong những khó khăn, hạn chế lớn trong hoạt động khuyến công là chưa xây dựng được mạng lưới khuyến công từ tỉnh đến cơ sở. Tình trạng chung là đội ngũ khuyến công viên và cộng tác viên khuyến công còn quá mỏng, trong khi địa bàn rộng, nội dung công việc nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Cụ thể, hầu hết mỗi huyện, thị xã, thành phố chỉ có một người làm công tác khuyến công là cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, nhưng lại là bán chuyên trách, do đó không thể sâu sát với cơ sở để nắm vững hoạt động CN-TTCN của địa phương để đề xuất, xây dựng các chương trình, đề án khuyến công phù hợp với điều kiện thực tế. Hơn nữa, chế độ phụ cấp không có nên chưa khuyến khích được đội ngũ người làm khuyến công cấp huyện gắn bó với công việc, dẫn đến nhiều trường hợp không mặn mà với công việc hoặc xin chuyển công tác khác. Trong khi đó, nhân lực khuyến công cấp xã và đội ngũ cộng tác viên khuyến công hầu như chưa có nên hoạt động khuyến công từ việc theo dõi hoạt động của các cơ sở sản xuất, làng nghề đến đề xuất chương trình, đề án ở một số địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn bị bỏ ngỏ.

Cán bộ khuyến công kiểm tra nghiệm thu đề án khuyến công địa phương tại huyện Buôn Đôn.
Cán bộ khuyến công kiểm tra nghiệm thu đề án khuyến công địa phương tại huyện Buôn Đôn.

Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), nếu xây dựng được mạng lưới khuyến công một cách hoàn chỉnh, thì công tác này sẽ đạt được hiệu quả lớn hơn nhiều, bởi các cán bộ khuyến công cơ sở sẽ sâu sát với thực tế, nắm bắt được tình hình, nhu cầu của từng địa phương, từng ngành nghề, từng cơ sở sản xuất để xây dựng, đề xuất sự hỗ trợ thiết thực nhất, giúp các cơ sở sản xuất tiếp cận được những nguồn lực từ các chương trình, đề án khuyến công phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do mạng lưới khuyến công còn có những khoảng trống, nên việc lên kế hoạch, xây dựng nội dung các chương trình, đề án ở cơ sở đều do cán bộ khuyến công cấp tỉnh làm, dẫn đến có sự chênh lệch so với thực tế. Từ đó dẫn đến tình trạng, các nguồn hỗ trợ chuyển giao đến cơ sở không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây lãng phí.

Về vấn đề này, Trung ương cũng đã có cơ chế giao cho các địa phương căn cứ theo tình hình cụ thể để xây dựng mạng lưới khuyến công cấp tỉnh với số lượng phù hợp và sử dụng ngân sách chi trả chế độ cho lực lượng này. Tại Đắk Lắk, trước đây, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã có đề án hình thành mạng lưới khuyến công đến tận cơ sở nhằm xây dựng nguồn nhân lực phục vụ lâu dài cho hoạt động khuyến công. Theo đó, mỗi huyện, thị, thành phố sẽ có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này và được hưởng chế độ phụ cấp tương xứng. Tuy nhiên, đến nay, đề án vẫn chưa được triển khai thực hiện vì nhiều lý do. Trong khi đó, một số cộng tác viên khuyến công tại cơ sở được xây dựng để “cộng tác” với trung tâm và đã phát huy hiệu quả tích cực, nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên lực lượng này cũng không duy trì được.

Ông Trương Ngọc Minh cho biết thêm, nhằm khắc phục khó khăn do mạng lưới khuyến công chưa hoàn thiện, trước mắt, trung tâm sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện để nâng cao chất lượng của đội ngũ này, đồng thời, xúc tiến thành lập một số chi nhánh khuyến công các các địa bàn để hoạt động khuyến công sát với tình hình thực tế tại cơ sở.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện để hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thụ hưởng trong quá trình thực hiện, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án khuyến công nhằm đưa hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc