Multimedia Đọc Báo in

Ea Nam nỗ lực xây dựng nông thôn mới

09:16, 16/06/2017

Là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Ea Nam, huyện Ea H’leo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Vào thôn Ea Sia B, chúng tôi rất ấn tượng trước những tuyến đường được bê tông thẳng tắp, có đèn đường và hai bên rực rỡ sắc hoa. Trên con đường chính vào thôn, hội trường thôn rộng rãi, khang trang được xây dựng cách đây chưa lâu bằng đóng góp của người dân. Được biết, khi chưa có nhà văn hóa cộng đồng, mỗi khi thôn có việc cần hội họp, bà con phải mượn nhà dân, rất bất tiện. Năm 2016, Ban tự quản thôn kêu gọi người dân đóng góp tiền để xây dựng hội trường và được bà con đồng lòng hưởng ứng.

Theo đó, bên cạnh ngân sách xã hỗ trợ 20 triệu đồng, mỗi hộ tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng, riêng hộ nghèo và hộ chính sách được miễn giảm; người dân tự thiết kế, mua vật liệu và trực tiếp thi công, giám sát. Trưởng thôn Nguyễn Thành cho biết, thực hiện Chương trình NTM, bên cạnh nhà văn hóa, người dân còn đóng góp tiền xây dựng 1,6 km đường giao thông nội thôn, 1,7 km đường điện và một số công trình công cộng khác. Nhờ đó, thôn Ea Sia B là địa bàn hoàn thành 19 tiêu chí NTM sớm nhất ở địa phương.

 Ông  Nguyễn Thiện, thôn Ea Sia A, xã Ea Nam  tự nguyện  hiến hàng chục mét đất  để mở rộng tuyến  đường thôn.
Ông Nguyễn Thiện, thôn Ea Sia A, xã Ea Nam tự nguyện hiến hàng chục mét đất để mở rộng tuyến đường thôn.

Tương tự, 100% các tuyến giao thông tại buôn Ea Sia A cũng đã được bê tông hóa. Để đạt được kết quả này, ngoài đóng góp tiền, ngày công, nhiều hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến hàng trăm mét đất, chặt phá cây trồng để mở rộng đường. Bên cạnh đó, con em trong thôn đi làm ăn xa cũng quyên góp tiền ủng hộ thực hiện NTM ở địa phương. Ông Hoàng Công Cuộc, Trưởng thôn Ea Sia A chia sẻ, mặc dù kinh tế của người dân trong thôn không cao hơn các địa bàn khác, nhưng Ban tự quản thôn đã tuyên truyền, vận động để bà con thấy được lợi ích của mình trong quá trình xây dựng NTM nên việc huy động sức dân rất thuận lợi. Để khích lệ các thôn, buôn xây dựng hạ tầng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 100% tiền xi măng theo tinh thần địa bàn nào đã có sự đồng thuận của dân trong việc đóng góp thì sẽ được ứng tiền trước.

Đến thời điểm này, Ea Nam đã đạt 15/19 tiêu chí, tăng 1 tiêu chí so với năm 2016, trong đó, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 31,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 13,28%, 64% đường ngõ xóm đã được cứng hóa, 96% dân cư sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, xã đã thực hiện được một khối lượng lớn về đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, điển hình như xây dựng hệ thống mương thoát nước tại buôn Briêng A với kinh phí 412 triệu đồng, 800 mét đường giao thông nông thôn tại các thôn, buôn, 1 hội trường thôn… Về nguồn vốn đầu tư, địa phương được ngân sách tỉnh, huyện  hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng và vốn tín dụng hơn 1,7 tỷ đồng, người dân đã đóng góp 1,5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn…

Lý giải về thành công này, ông Phạm Văn Ngữ, Trưởng Ban chỉ đạo NTM xã cho biết, tất cả là nhờ sự đồng thuận từ cấp ủy Đảng, chính quyền đến người dân, trong đó, người dân là chủ thể, trực tiếp làm, trực tiếp thụ hưởng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khó khăn nhất đó là các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất, hạ tầng, do đó, địa phương chưa đạt các tiêu chí về trường học và cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí giao thông và tỷ lệ hộ nghèo mới gần đạt.

Để hoàn thành những tiêu chí này, từ nay đến cuối năm, xã phấn đấu xây dựng 2 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 11 km, cứng hóa 15 km đường trục thôn, buôn và trục chính nội đồng; nâng cấp cơ sở vật chất cho 3 trường học và xây dựng hội trường cho 2 thôn, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.