Multimedia Đọc Báo in

Hạ tầng Cụm công nghiệp Tân An: Ì ạch đến bao giờ?

07:32, 12/06/2017

Thời gian qua, dù có sự quan tâm của Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp (DN) nhưng do khó khăn về kinh phí, nên cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN) Tân An 1, 2, TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa được xây dựng đồng bộ.

2 CCN này được UBND tỉnh giao Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Lĩnh đầu tư kinh doanh hạ tầng theo hình thức đầu tư – chuyển giao. Tại CCN Tân An 1, DN đã xây dựng các hạng mục: hệ thống giao thông nội bộ, thoát nước mưa, lát vỉa hè các trục đường chính, hệ thống cây xanh, chiếu sáng; CCN Tân An 2, công ty đã thảm nhựa các trục đường số 7, 8 và một phần đường số 4, các đường còn lại đã đổ đá 2 lớp và bó vỉa.

Bên cạnh đó, một số DN khác cũng đã đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó, Công ty Điện lực Đắk Lắk xây dựng trạm biến áp 22 kVA và hệ thống đường dây điện 22KV theo các trục đường với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng; ngoài ra, Công ty Viễn thông Đắk Lắk đầu tư cột ăngten và hạ tầng viễn thông trong 2 cụm với kinh phí 7 tỷ đồng.

Cổng, tường rào và đường trục chính vào CCN Tân An1, 2 được xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ.
Cổng, tường rào và đường trục chính vào CCN Tân An1, 2 được xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ.

Ngoài kinh phí của các DN, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1331/QĐ-UBND, ngày 5 – 7 – 2006 về cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư trong các CCN và Quyết định 43/QĐ-UBND, ngày 8 – 11 – 2007 về hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư bổ sung một số hạng mục công trình trong hàng rào CCN. Tuy nhiên, các hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ hiện mới hoàn thành một số công trình như: lập quy hoạch chi tiết CCN (kinh phí 285 triệu đồng); đền bù giải phóng mặt bằng (hơn 1,5 tỷ đồng); đánh giá tác động môi trường (90 triệu đồng); đường trục chính CCN Tân An 1 (kinh phí gần 7,9 tỷ đồng; cổng, tường rào 2 cụm (7,8 tỷ đồng); đường nội bộ số 5 (6 tỷ đồng); hệ thống cây xanh, chiếu sáng, nhà điều hành (6 tỷ đồng). Ngoài các hạng mục trên, hạ tầng kỹ thuật 2 CCN này vẫn còn thi công dang dở. Cụ thể, công trình khu xử lý nước thải tập trung CCN Tân An 1, 2 được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 37,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị thi công mới đạt 56,76%, trong đó, ngân sách tỉnh mới bố trí 18,3 tỷ đồng, hiện đang ngừng thi công và UBND tỉnh cũng chưa bố trí nguồn vốn trong kế hoạch năm 2017 cho công trình này.

Tương tự, Dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN Tân An 1, 2 do ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50 tỷ và Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Lĩnh đầu tư 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngân sách Trung ương mới bố trí được 20 tỷ đồng để thi công trục đường số 2 và một phần trục đường số 5. Đối với hệ thống cấp nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy cho CCN Tân An 1 (tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ), đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho địa phương từ năm 2009, nhưng UBND tỉnh đã ưu tiên dành vốn cho công trình khác cấp bách hơn. Đến năm 2015, UBND tỉnh có ý kiến giao công trình này cho Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đầu tư bằng vốn vay ODA, nhưng do khó khăn về kinh phí, nên đến năm 2018 mới triển khai.

Theo số liệu của UBND TP. Buôn Ma Thuột, hiện có 74 dự án đăng ký đầu tư vào CCN Tân An 1, 2, trong đó, 53 dự án đang hoạt động. Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN cũng như chủ trương thu hút đầu tư và di dời các cơ sở sản xuất gần khu dân cư vào CCN. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn cho các hạng mục công trình thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn Trung ương hỗ trợ để sớm hoàn thành cơ sở hạ tầng tại CCN Tân An 1, 2.

CCN Tân An 1 đi vào hoạt động năm 2003, với diện tích 48,5 ha (trong đó, đất sản xuất công nghiệp 30 ha, còn lại đất xây dựng hạ tầng). Còn CCN Tân An 2 hoạt động từ năm 2010, diện tích quy hoạch hơn 65 ha (đất sản xuất công nghiệp 46 ha). Hiện tỷ lệ lấp đầy 2 CCN này đạt 100%, các dự án đang hoạt động tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.