Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ để các xã nghèo về đích nông thôn mới

08:42, 02/06/2017

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua đã phần nào tạo ra diện mạo mới cho các xã vùng khó khăn. Tuy nhiên, việc hoàn thành các tiêu chí và cán đích NTM tại các xã này vẫn là một hành trình đầy gian nan.

Khó chồng khó

Đắk Lắk hiện có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, gồm: Lắk, M’Đrắk và Ea Súp, trong đó huyện Ea Súp có 6 xã, 55 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,81%; huyện Lắk có 7 xã, 48 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 51,32%; huyện M’Đrắk 6 xã, 48 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 51,69%. Địa bàn 3 huyện đều cách xa trung tâm tỉnh, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại còn khó khăn, đất đai bạc màu, tình trạng dân di cư tự do ngoài kế hoạch còn nhiều, thu ngân sách của địa phương đạt thấp... Đây cũng chính là “rào cản” trong thực hiện các tiêu chí NTM ở những địa phương này.

Nhân dân tham gia làm đường nông thôn mới ở huyện Krông Bông.
Nhân dân tham gia làm đường nông thôn mới ở huyện Krông Bông.

Đơn cử như Ea Súp là một trong những huyện có số lượng các tiêu chí NTM đạt thấp, nhất là các xã biên giới như Ya Lốp, Ia R’vê mới đạt 3 tiêu chí. Trong năm 2016, toàn huyện đạt 55/171 tiêu chí, bình quân đạt 6,1 tiêu chí/xã, thấp hơn 2 tiêu chí so với kế hoạch và thấp hơn 5 tiêu chí so với bình quân cả tỉnh (cả tỉnh 11,88 tiêu chí/xã). Từ xuất phát điểm thấp nên hầu hết các tiêu chí đạt được là các tiêu chí dễ, được đầu tư từ nhiều năm trước như y tế, bưu điện, quy hoạch … Trong khi các tiêu chí “mềm” như an ninh trật tự, hệ thống chính trị, văn hóa thì không ổn định theo các năm do tình hình dân di cư vào địa bàn ngày càng phức tạp nên nhiều xã đã không giữ vững được các tiêu chí này sau khi đã đạt. Riêng các tiêu chí cần nguồn vốn lớn như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… lại được đầu tư thấp. Tổng nguồn vốn huy động năm 2016 được trên 334 tỷ đồng, trong đó vốn của chương trình mục tiêu Quốc gia trên 11,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trên thực tế, số kinh phí này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu về xây dựng hạ tầng cơ sở của các xã. Đó là chưa kể đến “gánh nặng” trong việc hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập.

Hay ở huyện Lắk, tính đến hết năm 2016, tổng số tiêu chí đạt được của 10 xã là 72/190; bình quân đạt 7,2 tiêu chí/xã. Xây dựng NTM ở huyện Lắk hiện đang gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với các vấn đề nan giải, đó là đại bộ phận nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động, huy động sức dân tham gia phong trào xây dựng NTM.

Cần có cách làm phù hợp

Theo Ban điều phối Xây dựng NTM tỉnh, việc phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách Trung ương thực hiện theo quy định: tập trung vốn cho xã nghèo; vốn ngân sách địa phương thì ưu tiên bố trí cho các xã có khả năng đạt chuẩn trong năm. Nguyên tắc bố trí vốn của tỉnh là vừa bảo đảm sự hài hòa, vừa tăng nguồn lực để giúp các xã gần đạt tiêu chí sớm về đích, các xã nghèo rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cơ sở hạ tầng với các xã khác. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho các xã nghèo còn quá ít so với nhu cầu để hoàn thành các tiêu chí. Vì vậy, cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự bảo đảm vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo.

Do chưa có đủ kinh phí nên nhiều kênh thủy lợi ở huyện Lắk chưa được kiên cố hóa.
Do chưa có đủ kinh phí nên nhiều kênh thủy lợi ở huyện Lắk chưa được kiên cố hóa.

Theo Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Ea Súp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp hàng đầu và lâu dài mà huyện đang hướng tới. Hiện đang có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu để xây dựng nhà máy sấy, chế biến nông sản, đầu tư chăn nuôi… Đây là tín hiệu vui, nếu thu hút được các doanh nghiệp này đầu tư vào địa bàn huyện sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị nông sản, tổ chức lại sản xuất và cải thiện thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện Ea Súp cũng đề nghị các đơn vị kết nghĩa với các xã khó khăn, có thể giúp đỡ hẳn 1 tiêu chí hoặc 1 công trình nông thôn mới...

Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết, để các xã nghèo vượt khó trong xây dựng NTM, cấp huyện cần chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc về sản xuất và cải thiện thu nhập của người dân để tập trung chỉ đạo, trong đó ưu tiên cho các xã dưới 5 tiêu chí và xã khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân…          

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.