Multimedia Đọc Báo in

Hy vọng đổi thay trên vùng đất cằn Ia R'vê

11:22, 07/06/2017

Mặc dù đã thử nghiệm nhiều cây trồng nhưng do điều kiện tự nhiên không ưu đãi, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) vẫn chưa tìm được loại cây phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện có một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển những loại cây trồng mới, đem lại hy vọng cho người dân vùng biên.

Sau khi khảo sát, tháng 8-2016, Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (TP. Hồ Chí Minh) đã quyết định thuê đất của Đoàn kinh tế quốc phòng 737 (đứng chân trên địa bàn xã Ia R’vê) để trồng thử nghiệm 2 ha cây cao lương ngọt. Sau khi trồng 3 tháng, cây cao lương đã cho thu hoạch đợt đầu được gần 100 tấn gồm cả thân, lá và bông hạt. Khi thu hoạch, đơn vị cắt chừa gốc 10 cm và tiếp tục đầu tư chăm sóc tốt nên khoảng 3 tháng sau, công ty lại thu hoạch đợt 2 được 60 tấn.

21
Cán bộ khuyến nông huyện Ea Súp khảo sát, tìm hiểu quy trình trồng cây cao lương của Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành.

Ông Trần Đức Quang, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết, cây cao lương ngọt có thể chế biến thành thức ăn chăn nuôi, thân cây làm đường, chế tạo xăng sinh học, viên nén sinh học và cồn ethanol. Hơn nữa, rễ của loại cây này chỉ ăn sâu vào đất từ 30-50 cm và dễ thích ứng với các điều kiện canh tác khó khăn như khô hạn, thiếu nước tưới nên có thể phát triển được ở vùng đất khắc nghiệp như Ia R’vê.

Sau đợt thử nghiệm đầu tiên năm 2016, vào mùa mưa năm nay, Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành đã trồng khoảng 50 ha gồm 5 loại giống cao lương ngọt của Nhật Bản và Mỹ nhằm tìm ra giống cây và thời điểm gieo trồng thích hợp nhất. Sau khi khảo nghiệm thành công, công ty sẽ mở rộng diện tích lên 3.000 ha. Mỗi ha cao lương cần 100 công trồng, chăm sóc, thu hoạch nên hứa hẹn sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Không chỉ có Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành,  tháng 9-2016, Công ty TNHH Toàn Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã đầu tư trồng 50 ha chuối Nam Mỹ tại thôn 4, xã Ia R’vê và khoán cho 30 lao động địa phương, có cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật.

21
Cây chuối Nam Mỹ do Công ty TNHH Toàn Thắng trồng trên vùng đất Ia R'vê đang phát triển tốt

Theo anh Cao Minh Hiếu, phụ trách kỹ thuật của công ty, sau 7 tháng trồng thử nghiệm cho thấy cây chuối khá thích hợp với vùng đất này. Quy cách trồng là cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2 m, vào mùa khô hạn cứ 5 ngày tưới một lần. Tuy chi phí đầu tư khá lớn, hết khoảng 200 triệu đồng/1 ha gồm giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch nhưng năng suất trung bình đạt 60 tấn tấn/ha, giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng có được một khoản lợi nhuận khá. Hơn nữa loại cây này nếu chăm sóc tốt thì có thể thu hoạch trong 4-5 năm mới phải trồng lại.

Ia R’vê là xã có điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn (trên 5.388 ha) nhưng chủ yếu là các loại cây hoa màu ngắn ngày. Thời gian qua, chính quyền địa phương, nhân dân và đơn vị đóng chân trên địa bàn đã liên kết với một số doanh nghiệp trồng các loại cây lâu năm như keo lai, điều, cao su… nhưng hiệu quả đem lại không cao.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2016, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến làm việc với UBND xã và thuê đất của Đoàn kinh tế quốc phòng 737 để trồng thử nhiệm các loại cây gồm chuối xuất khẩu, cao lương ngọt, ca cao, khoai lang với tổng diện tích 132 ha. Hiện có một số cây trồng đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng khá cao. Tuy nhiên, địa phương cũng mong muốn các doanh nghiệp tiến hành khảo nghiệm kỹ ở cả những vùng đất tốt và đất xấu, đánh giá tình hình sinh trưởng, sâu bệnh, khả năng thích nghi nhằm tìm ra hướng phát triển hiệu quả nhất mới nhân rộng cho người dân trong vùng. Hy vọng thời gian tới, vùng biên Ia R’vê sẽ có loại cây trồng chủ lực, giúp đời sống người dân có sự đổi thực sự.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.