Không để nghẽn dòng vốn đầu tư
Những năm gần đây, Đắk Lắk đã trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Để tiếp tục khơi dòng vốn, tỉnh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính.
Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng
Hạ tầng kỹ thuật giao thông được xem là một trong những lĩnh vực được tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư. Với sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, trong những năm qua, mạng lưới giao thông của tỉnh được đầu tư khá đồng bộ. Có thể kể đến một số dự án giao thông huyết mạch, giữ vai trò kết nối, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển như: đường Hồ Chí Minh qua địa phận Đắk Lắk cơ bản hoàn thành với tổng chiều dài trên 120 km; đường tránh phía Tây TP. Buôn Ma Thuột với tổng chiều dài gần 14 km; đang giải phóng mặt bằng, triển khai thi công đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột dài 6,9 km...
Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, cải tạo đường hạ cất cánh chiều dài 3.000 m, rộng 45 m với các trang thiết bị phụ trợ, đèn đêm, với công suất 1 triệu hành khách/năm. Mạng lưới cung cấp điện bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh có các nhà máy thủy điện công suất lớn đấu nối vào lưới điện quốc gia như: Buôn Kuốp; Buôn Tua Sarh; Sêrêpốk 3, 4, 4A... Hệ thống bưu chính, viễn thông của Đắk Lắk đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với 184/184 xã phường, thị trấn có điện thoại, đạt tỉ lệ 100%, mạng di động đã phủ sóng 15/15 huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin liên lạc trong nước và quốc tế.
Đường tránh phía Tây, một trong những con đường đẹp qua TP. Buôn Ma Thuột. |
Để tiếp tục huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới, tỉnh cũng đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục vận động tài trợ, thu hút các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi. Trong đó, tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, thương mại, chế độ ưu đãi đối với dự án sử dụng nhiều lao động, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển động vật hoang dã khu vực Tây Nguyên... Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn triển khai các dự án cấp bách, quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương như: dự án cải tạo, nâng cấp các tỉnh lộ 1, 9; các quốc lộ 29, 14C (giai đoạn 2); cho phép đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột; cầu vượt sông Krông Bông (xã Vụ Bổn huyện Krông Pắc); hỗ trợ kinh phí bảo trì các tuyến đường thôn buôn thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, đặc biệt là các buôn đồng bào đặc biệt khó khăn tại các huyện nghèo của tỉnh (Lắk, Ea Súp, Buôn Đôn)...
Lành mạnh hóa môi trường đầu tư
Theo Sở Kế hoạch –Đầu tư, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cà phê; chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời); du lịch sinh thái... phải gắn liền với phát triển nguồn nhân lực đảm bảo cung cấp đầy đủ về số lượng cũng như chất lượng cho sự phát triển ngày càng cao của các doanh nghiệp. Tỉnh xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư. Với quan điểm coi các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho họ, đặc biệt là trong công tác cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển. Để tạo dựng niềm tin nơi các nhà đầu tư thực sự có năng lực, cùng với việc tăng cường thu hút các dự án đăng ký đầu tư mới, công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư cũng được chú trọng và qua đó kịp thời xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Nhiều dự án đầu tư vào địa bàn được tỉnh chọn lọc kỹ hơn trong khâu đầu vào, bảo đảm chất lượng; khắc phục tình trạng dự án đăng ký nhiều nhưng triển khai chậm. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm, có biểu hiện cơ hội, giữ chỗ chờ thời cơ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tại Hội chợ - triển lãm chuyên ngành Cà phê năm 2017. |
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20-5-2014 về Quy chế phối hợp kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát, trong năm 2016, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi chủ trương của 37 dự án đầu tư. Năm 2017, tỉnh tiếp tục tục tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện dự án, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư mới, tỉnh đã thay đổi chủ trương thu hút đầu tư theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, chọn lọc các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, chỉ đạo các cấp, ngành siết chặt hoạt động quản lý đầu tư; không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng gắn với bảo vệ môi trường.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc