Krông Pắc tạo thế chủ động phòng chống dịch bệnh từ người chăn nuôi
Bằng cách nhắc nhở, khuyến cáo và đưa ra kế hoạch hợp lý mà ngành chăn nuôi huyện Krông Pắc tạo được thế chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT Krông Pắc, toàn huyện hiện có khoảng 823.990 con gia súc gia cầm, trong đó 117.300 con heo, 26.160 con bò, 4.260 con trâu, 727.755 con gia cầm và 9.710 con dê…
Để chủ động phòng chống dịch, bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cuối năm 2016 - thời điểm tăng đàn của các hộ chăn nuôi, huyện đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 571 triệu đồng; đồng thời hướng dẫn các xã, thị trấn, đặc biệt là người dân chuẩn bị phương án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng bảo vệ vật nuôi; tổ chức giám sát đàn gia súc, gia cầm đến tận thôn, buôn, tổ dân phố, hộ gia đình để phát hiện và dập dịch kịp thời khi xảy ra…
Chị H’Nuk Êban, buôn Phê, xã Ea Phê cho biết, 6 con bò là nguồn thu chính của gia đình, nên công tác chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò luôn được đặt lên hàng đầu. Bò được nuôi theo hình thức bán chăn thả, gia đình chủ động trồng cỏ VA06 và cắt cỏ mọc trên đồng; bổ sung thức ăn tinh bằng cám bắp, cám gạo, nước muối đúng liều lượng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tiêm phòng đầy đủ theo kế hoạch của UBND xã.
Tương tự, gia đình ông Ama Hiếu (trú cùng buôn) có 4 con bò và 13 con heo, trước đây chăn thả rông là chính, về nhà không có thức ăn bổ sung nên phát triển còi cọc, sức đề kháng kém. Từ khi được cán bộ thú y xã hướng dẫn quy trình chăm sóc vật nuôi, ông đã chuyển sang hình thức bán chăn thả. Cứ mỗi tuần vài lần, ông cùng các hộ trong buôn đến các cánh đồng xa ở xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) cắt cỏ, dự trữ rơm, rạ làm thức ăn cho vật nuôi… Nhờ đó, đàn bò của gia đình sinh trưởng tốt và không bị dịch bệnh. Riêng với đàn heo, tuy giá heo hơi hiện nay giảm mạnh khiến gia đình phải giảm lượng thức ăn xuống, nhưng việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại vẫn được thực hiện đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Liên, cán bộ thú y xã Ea Phê cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, bên cạnh tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho 1.800 con bò, 2.000 con heo…, xã còn hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích đất cằn cỗi, khó khăn về nguồn nước sang trồng cỏ cao sản, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi.
Chị H'Nuk Êban, buôn Phê, xã Ea Phê chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Tương tự, ở xã Tân Tiến, toàn xã hiện có khoảng 60.800 con gia súc, gia cầm, trong đó heo là thế mạnh với hơn 10.000 con. Khi giá heo giảm, người chăn nuôi không tăng đàn và chủ yếu chỉ chăn nuôi cầm chừng, nhưng việc phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại luôn được bà con chú trọng.
Ông Phạm Bá Bang, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Krông Pắc cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương đã phun thuốc tiêu độc, khử trùng đợt 1 trên toàn huyện với 400 lít thuốc Ben Kocid; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho 15.600 con trâu, bò; phòng bệnh cho 23.650 con heo (đạt 100% kế hoạch được giao)… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) đang xảy ra cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, cộng với thời tiết hiện nay mưa nắng thất thường khiến nguy cơ cao lây lan, bùng phát các loại dịch bệnh. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay đơn vị chưa được cấp vắc xin lở mồm long móng, lượng thuốc sát trùng chỉ được cấp 400 lít (bằng 66,6% so với cùng kỳ năm 2016), vì vậy Trạm kiến nghị Chi cục Thú y tỉnh sớm cấp vắc xin để công tác phòng chồng dịch bệnh được thực hiện tốt hơn.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc